Nhãn hiệu Hương sạch Tân Nguyên, 100% thành phần từ thiên nhiên. Ảnh: MC |
Với lợi thế có Khu công nghiệp Phú Bài và Cụm công nghiệp Thủy Phương, hiện, TX. Hương Thủy đang tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Trong đó, phát triển CN, TTCN, LN được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa.
Ông Ngô Văn Vinh – Phó Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy cho hay, từ những quan tâm của các cấp, các ngành trong thời gian qua, hoạt động sản xuất CN trên địa bàn được duy trì, phát triển; một số làng nghề, nghề truyền thống được tỉnh công nhận; CN, TTCN và xây dựng trở thành ngành kinh tế có tỷ trọng giá trị sản xuất cao trong cơ cấu kinh tế thị xã; hoạt động sản xuất, kinh doanh CN, TTCN, LN đã tạo hàng nghìn việc làm, nâng cao mức sống người dân, đóng góp lớn vào thu ngân sách tỉnh và thị xã, góp phần thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.
Ngoài số lượng doanh nghiệp và ngành nghề trong Cụm công nghiệp Thủy Phương, hoạt động sản xuất CN, TTCN trên địa bàn TX. Hương Thủy diễn ra khá đa dạng, với nhiều ngành nghề như sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí gia dụng, mộc mỹ nghệ, điêu khắc,…
Riêng về nghề thủ công, đến nay, Hương Thủy có 2 làng nghề và 1 nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, gồm: nghề rèn truyền thống Cầu Vực (P. Thủy Châu), làng nghề chổi đót Thanh Lam (P. Thủy Phương) và nghề truyền thống nón lá Vân Thê (xã Thủy Thanh). Trong đó, nghề rèn truyền thống Cầu Vực đã được chứng nhận nhãn hiệu tập thể đầu năm 2021, được Sở Khoa học & Công nghệ hỗ trợ tem nhãn để từng bước xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường.
Lãnh đạo TX. Hương Thủy biểu dương 4 cơ sở có sản phẩm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia 2023 |
Để tiếp tục khai thác hiệu quả trên cơ sở tiềm năng, lợi thế so sánh, phát huy tối đa các nguồn lực, qua đó, tạo đột phá trong lĩnh vực sản xuất CN, TTCN, LN, năm 2024, Hương Thủy tiếp tục thực hiện Đề án phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - làng nghề giai đoạn 2021 – 2025 cùng mục tiêu huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đẩy mạnh triển khai thực hiện công tác khuyến công và lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ nhằm khuyến khích các ngành nghề CN-TTCN trên địa bàn phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng, nhất là các ngành nghề sản xuất cơ khí; chế biến nông, lâm sản; sản phẩm truyền thống…
Cũng trong lộ trình này, Hương Thủy chú trọng phát triển sản xuất CN-TTCN đảm bảo thân thiện với môi trường, gắn với phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới; phát triển CN-TTCN, sản phẩm nghề truyền thống, làng nghề theo hướng chất lượng, gắn với du lịch, quảng bá thương hiệu, phát triển thị trường với nhiều giải pháp về cơ chế chính sách, hỗ trợ phát triển cơ sở công nghiệp nông thôn, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển vùng nguyên liệu, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại… được triển khai đồng bộ.
“Từ lộ trình vạch ra, năm 2024, Hương Thủy phấn đấu tăng tốc độ giá trị sản xuất 11,5-12,5%, trong đó, ngành công nghiệp xây dựng tăng 11,8-12,7% so với năm 2023; thành lập các cụm công nghiệp quy hoạch mới và quy hoạch chi tiết để kêu gọi nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng, thu hút doanh nghiệp thứ cấp vào hoạt động; lập hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận làng nghề tăm hương (xã Dương Hòa) là nghề/làng nghề truyền thống; phấn đấu có 4 - 5 sản phẩm trở lên được công nhận là sản phẩm CNNTTB khu vực miền Trung – Tây Nguyên”, ông Ngô Văn Vinh cho hay.