Thế giới cần tăng cường hành động và tài trợ để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Mặc dù các cuộc đàm phán về khí hậu của LHQ năm ngoái tại Dubai đã đạt được những tiến bộ đáng kể khi các nước tham gia đồng ý tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo toàn cầu trong thập kỷ này và chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm, nhưng thỏa thuận này vẫn thiếu các chi tiết quan trọng, bao gồm cả vấn đề tài trợ. Điều này đặt gánh nặng lên hội nghị COP29 sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Azerbaijan.

Với những tác động ngày càng gia tăng khi kỷ lục về nhiệt độ toàn cầu bị phá vỡ, các chuyên gia cho rằng, khoản tài trợ được thống nhất trong năm nay sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc khuyến khích các chính phủ tăng cường các mục tiêu khử carbon.

Theo Chủ tịch COP28 Jaber, tài chính là “động lực chính tạo ra sự thay đổi tích cực ở tốc độ và quy mô cần thiết” ở mọi cấp độ.

Dự kiến trong năm nay, các nước sẽ đặt ra mục tiêu mới về mức hỗ trợ hàng năm mà các quốc gia giàu có sẽ cung cấp cho các nước nghèo hơn để chuyển đổi năng lượng và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu từ năm 2025. Thực tế, việc các quốc gia giàu có không đạt mục tiêu cung cấp 100 tỷ USD hằng năm cho quỹ khí hậu dành cho các nước nghèo hơn vào năm 2020 được đề ra trước đó đã làm suy giảm không ít niềm tin.

Hiện tại, nhu cầu đã vượt xa số tiền sẵn có. Nhóm chuyên gia tài chính khí hậu của LHQ ước tính rằng ngoại trừ Trung Quốc, các nền kinh tế mới nổi sẽ cần chi khoảng 2.400 tỷ USD mỗi năm vào cuối thập kỷ này.

Theo đó, ông Jaber cho rằng, các quốc gia trên thế giới hiện phải nâng cao tiêu chuẩn để giải quyết thách thức mà chúng ta gặp phải và cần bắt đầu nghĩ đến việc “chi hàng nghìn tỷ USD, chứ không phải hàng tỷ USD”.

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang chịu áp lực phải bắt đầu những cải cách sâu rộng để điều chỉnh việc cho vay phù hợp với mục tiêu của thỏa thuận Paris về hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Các sáng kiến khác cũng đang được thảo luận, trong đó có việc ban hành mức thuế mới, đặc biệt đối với các ngành gây ô nhiễm, cũng như chuyển hướng trợ cấp nhiên liệu hóa thạch sang phát triển xanh.

Ngoài ra, cần có tiến bộ về tài chính trong năm nay để giúp thúc đẩy mức độ tham vọng của các nước trong các mục tiêu khí hậu quốc gia mới, với các kế hoạch khử carbon tăng cường dự kiến sẽ triển khai vào cuối năm nay và đầu năm 2025.

Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol cũng khẳng định cơ quan này sẽ hỗ trợ các nước tăng cường các mục tiêu cắt giảm khí thải.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ AFP)