Một con cá voi lưng gù trên kênh đào Work Channel ở Canada. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Trước đó, nhờ những nỗ lực bảo tồn và việc chấm dứt săn bắt cá voi thương mại vào năm 1976, quần thể cá voi lưng gù trong khu vực đã tăng đều đặn cho đến năm 2012. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, số lượng cá voi đã giảm mạnh.

Được biết, một nhóm gồm 75 nhà khoa học đã biên soạn bộ dữ liệu nhận dạng ảnh lớn nhất từng được xây dựng cho một loài động vật có vú lớn sống ở biển, để theo dõi các quần thể cá voi lưng gù ở Bắc Thái Bình Dương trong giai đoạn 2002 - 2021.

Sử dụng hình ảnh những chiếc đuôi độc đáo của cá voi, nhóm nghiên cứu này đã có thể ghi lại khoảng 200.000 lần nhìn thấy hơn 33.000 cá thể. Cho đến năm 2012, quần thể cá voi lưng gù đã tăng đều đặn. Sau đó, họ chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ về số lượng. Trong giai đoạn 2012 - 2021, số lượng cá thể cá voi lưng gù đã giảm 20%, từ khoảng 33.000 cá thể xuống chỉ còn hơn 26.600 cá thể.

Đối với một nhóm nhỏ cá voi trú đông ở Hawaii, mức giảm thậm chí còn rõ rệt hơn, ở mức 34%. Đây được xem là một sự khác biệt rất đáng kể. Trong giai đoạn 2014 - 2016, đợt sóng nhiệt trên biển mạnh nhất và dài nhất từng được ghi nhận đã tàn phá vùng Đông Bắc Thái Bình Dương, với sự bất thường về nhiệt độ, đôi khi vượt quá 3 - 6 độ C, làm thay đổi hệ sinh thái trên biển và sự sẵn có của con mồi.

Tác giả nghiên cứu Ted Cheeseman, nhà sinh vật học cá voi và nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Southern Cross ở tiểu bang New South Wales (Australia) nói với Tờ AFP rằng: “Ước tính của chúng tôi là có khoảng 7.000 con cá voi hầu hết đã chết đói”.

Việc số lượng cá voi biến động là điều bình thường ngay cả ở những quần thể khỏe mạnh, nhưng sự suy giảm đột ngột như vậy đối với những loài sống lâu năm đã cho thấy sự gián đoạn lớn trong các đại dương. Trong trường hợp này, các nhà khoa học nhận định, nhiệt độ cực cao trên biển thực sự đã làm giảm ngưỡng chịu đựng của cá voi lưng gù.

Việc cá voi lưng gù không thể thay đổi chế độ ăn vốn đã linh hoạt của chúng là một dấu hiệu rõ ràng về sức khỏe tổng thể của đại dương. “Không chỉ thức ăn của cá voi suy giảm… Một đại dương ấm hơn đang tạo ra ít thức ăn hơn”, ông Ted Cheeseman nói thêm, đồng thời lưu ý sự sụt giảm về các quần thể hải âu, sư tử biển và hải cẩu…

Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hiệp Quốc, các đợt sóng nhiệt trên biển, vốn đã xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn, được dự báo sẽ gia tăng trên toàn cầu trong thế kỷ này.

THANH NGÂN (Lược dịch từ AFP)