Ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ tại hội thảo

Chuyển đổi số trong đào tạo nghề du lịch không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn tạo điều kiện để học viên tiếp cận với những kiến thức và kỹ năng mới mẻ, phù hợp với xu hướng phát triển của ngành du lịch toàn cầu. Sự chuyển đổi này đòi hỏi một hệ thống giáo dục linh hoạt, hiện đại và tiên tiến, có khả năng tích hợp các công cụ số và công nghệ mới vào quy trình đào tạo, từ đó tạo ra môi trường giảng dạy tích hợp, linh hoạt và tính tương tác cao.

Chuyển đổi số trong đào tạo nghề du lịch cũng đặt ra không ít thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là việc đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin. Điều này đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn cùng với sự cam kết từ phía các cơ sở đào tạo và chính phủ. Ngoài ra, việc phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng và năng lực sư phạm để giảng dạy trong môi trường số cũng là một thách thức, đòi hỏi phải có chương trình đào tạo giáo viên chuyên nghiệp và bài bản.

Ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, các cơ sở đào tạo nói chung, các cơ sở đào tạo du lịch nói riêng trong cả nước đã và đang thực hiện các bước về chuyển đổi số trong quản lý, quản trị nhà trường, trong dạy và học, từng bước đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển đổi số cũng chưa đồng bộ, còn nhiều khó khăn.

Để tận dụng tối đa cơ hội và vượt qua thách thức, các cơ sở đào tạo nghề du lịch cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số toàn diện, từ việc nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ, phát triển nội dung chương trình đào tạo, đến việc áp dụng các phương pháp giảng dạy và học tập mới mẻ và sáng tạo. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp trong ngành du lịch và chính phủ, nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong kỷ nguyên số.

HỮU PHÚC