Giáo viên và học sinh tại một trường tiểu học ở thành phố Nagoya, Nhật Bản. Ảnh minh họa: Kyodo/TTXVN

Cảnh báo về tình trạng thiếu giáo viên trên toàn cầu được đưa ra tại một cuộc họp của Lực lượng đặc nhiệm quốc tế về giáo viên cho công tác giáo dục được tổ chức ở thành phố Johannesburg (Nam Phi), nơi Hội đồng Cấp cao về Giảng dạy của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) António Guterres công bố một loạt khuyến nghị mới để bảo vệ việc học tập trong tương lai dành cho tất cả mọi người.

“Ngay bây giờ, và hơn bao giờ hết, chúng ta cần hướng tới những xã hội học tập. Mọi người ở khắp mọi nơi đều cần có kỹ năng, kiến thức và giáo dục chất lượng cao. Trên hết, họ cần những giáo viên giỏi nhất có thể”, ông António Guterres nói trong một thông điệp gửi đến cuộc họp nói trên.

Mặc dù đây là vấn đề toàn cầu, nhưng tình trạng thiếu giáo viên đang ảnh hưởng nặng nề nhất đến khu vực châu Phi cận Sahara, nơi ước tính cần khoảng 15 triệu giáo viên mới vào năm 2030.

Hậu quả của tình trạng thiếu giáo viên trên toàn thế giới là rất sâu sắc, tạo ra quy mô lớp học lớn hơn, gánh nặng cho các nhà giáo dục, chênh lệch giáo dục và căng thẳng tài chính đối với hệ thống giáo dục, ảnh hưởng đến chất lượng và khả năng tiếp cận giáo dục.

Được xây dựng dựa trên Hội nghị thượng đỉnh LHQ về chuyển đổi giáo dục trong năm 2022, và cùng được hỗ trợ bởi Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và UNESCO, các khuyến nghị của Hội đồng Cấp cao về Giảng dạy tập trung vào 6 khía cạnh cốt lõi, bao gồm: nhân phẩm, nhân loại, đa dạng, công bằng và hòa nhập, chất lượng, đổi mới sáng tạo và lãnh đạo, và tính bền vững.

“Cũng như giáo viên hỗ trợ tất cả chúng ta, đã đến lúc cần hỗ trợ giáo viên. Hãy đảm bảo họ có được sự hỗ trợ, sự công nhận và nguồn lực cần thiết để cung cấp nền giáo dục và kỹ năng có chất lượng và phù hợp dành cho tất cả mọi người”, ông António Guterres cho biết, đồng thời ủng hộ việc thực hiện rộng rãi các hướng dẫn do những chuyên gia giáo dục đưa ra.

Những biện pháp ứng phó với thách thức này bao gồm các khuyến nghị nhằm xây dựng một môi trường, nơi giáo viên có thể thúc đẩy sự thay đổi trong giáo dục, khuyến khích tư duy phản biện và thúc đẩy các kỹ năng học tập hiện đại.

Đồng thời, Hội đồng Cấp cao về Giảng dạy cũng ủng hộ giáo viên với tư cách là những đối tác hợp tác, thay vì chỉ là người cung cấp kiến thức. Ngoài ra, nguồn tài trợ đầy đủ cho hệ thống giáo dục và tích hợp công nghệ là chìa khóa, với sự tập trung vào việc hỗ trợ sử dụng học tập kỹ thuật số và công nghệ khác.

Cũng theo UNESCO, tỷ lệ nghỉ việc ở giáo viên tiểu học gần như đã tăng gấp đôi từ 4,62% trên toàn cầu hồi năm 2015 lên 9,06% vào năm 2022; trong đó, giáo viên thường bỏ nghề trong vòng 5 năm đầu tiên.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ UN News)