Đánh bắt cá trên sông Mekong. Ảnh: AP/Tuoitre

Sông Mekong trải dài gần 5.000 km từ cao nguyên Tây Tạng đến Biển Đông, là huyết mạch canh tác và đánh bắt cá của hàng chục triệu người dân ở Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Tuy nhiên, các loài cá trên sông Mekong đang phải đối mặt với vô số mối đe dọa, bao gồm mất môi trường sống, chuyển đổi vùng đất ngập nước sang nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, khai thác cát không bền vững, du nhập các loài xâm lấn, biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ và các đập thủy điện chia cắt dòng chảy của sông và các nhánh sông, báo cáo do Quỹ Động vật hoang dã Thế giới (World Wildlife Fund) và 25 nhóm bảo tồn biển và động vật hoang dã toàn cầu nêu rõ.

Nhà sinh vật học Zeb Hogan, người đứng đầu nhóm bảo tồn Wonders of the Mekong cho biết mối đe dọa lớn nhất hiện nay và vẫn đang có xu hướng gia tăng là phát triển thủy điện. Ông nói, các con đập đã làm thay đổi dòng chảy của sông Mekong - con sông có độ đa dạng sinh học lớn thứ ba trên thế giới (chỉ sau sông Amazon và sông Congo), làm thay đổi chất lượng nước và ngăn chặn sự di cư của cá.

Là nơi sinh sống của khoảng 1.148 loài cá được công nhận, nhưng báo cáo mới của các nhà bảo tồn cho biết hiện khoảng 19% trong số các loài cá ở sông Mekong đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Lan Mercado, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của WWF cho biết: “Sự suy giảm đáng báo động về quần thể cá ở sông Mekong là lời cảnh tỉnh khẩn cấp để hành động… Chúng ta phải hành động ngay bây giờ để đảo ngược xu hướng nguy hại này vì cộng đồng và các quốc gia sông Mekong sẽ phải chịu tổn thất rất lớn”.

Báo cáo từ 25 nhóm khu vực và quốc tế đã xem xét tác động lên các khu vực khác nhau của sông Mekong, bao gồm cả hồ Tonle Sap của Campuchia - nơi quần thể cá đã giảm đến 88% trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến năm 2019.

Các tác giả cho biết 74 loài cá trên sống Mekong được đánh giá là “có nguy cơ tuyệt chủng” trong Danh sách đỏ các loài bị đe dọa của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế. Trong số những loài có nguy cơ tuyệt chủng có 18 loài được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế liệt vào danh sách “cực kỳ nguy cấp”, bao gồm hai loài cá da trơn lớn nhất thế giới, cá chép lớn nhất thế giới và cá đuối nước ngọt khổng lồ.

Tuy nhiên, dữ liệu có sẵn công khai là rất ít vì nhiều loài trên sông vẫn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng để đánh giá tình trạng bảo tồn của chúng. Do đó, “có thể nói rằng số lượng thực tế các loài cá bị đe dọa ở sông Mekong cao hơn nhiều so với con số 74”.

Báo cáo cho biết, sự suy giảm cá ở sông Mekong - chiếm hơn 15% sản lượng đánh bắt nội địa của thế giới, tạo ra hơn 11 tỷ USD mỗi năm - có thể gây tổn hại đến an ninh lương thực cho ít nhất 40 triệu người ở lưu vực hạ lưu sông Mekong.

Báo cáo cũng cảnh báo rằng các loài cá biến mất có thể làm trầm trọng thêm nạn phá rừng trong khu vực khi hàng triệu người trước đây sống dựa vào dòng sông buộc phải chuyển sang làm ruộng.

“Rõ ràng là chúng ta đang mạo hiểm gây ra một cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học mới cho lưu vực sông Mekong. Nhưng vẫn chưa quá muộn!” ông Herman Wanningen, Giám đốc điều hành của World Fish Migration Foundation nêu rõ.

Trong các khuyến nghị được đưa ra, báo cáo kêu gọi các quốc gia Mekong bảo vệ và khôi phục hệ sinh thái của dòng sông, đồng thời cam kết thực hiện Thử thách Nước ngọt (Freshwater Challenge - FWC) - một sáng kiến nhằm hỗ trợ, tích hợp và đẩy nhanh việc khôi phục 300.000 km sông bị suy thoái và 350 triệu ha vùng đất ngập nước bị suy thoái vào năm 2030, cũng như bảo tồn các hệ sinh thái nước ngọt nguyên vẹn. Được biết đến nay, đã có 46 quốc gia tham gia sáng kiến này.

Song song đó, tăng dòng chảy tự nhiên của sông, cải thiện chất lượng nước, bảo vệ môi trường sống và các loài quan trọng là một trong sáu trụ cột được khuyến nghị để giúp khắc phục và bảo tồn sông Mekong.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters & AFP)