Anh Viên Đăng Noh chăm sóc dê con tại nhà. Ảnh: Phan Thắng

Hơn 5 năm trước, anh Noh mạnh dạn mua con dê đầu tiên của người dân trong thôn với giá 2 triệu đồng. Một năm sau, dê sinh sản và tăng đàn lên 5 con. Có kinh nghiệm, anh được xã chọn tham gia “Mô hình nuôi dê bán chăn thả” của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh thực hiện (thuộc Dự án Nông thôn miền núi do Trung ương quản lý) từ tháng 10/2019 đến tháng 9/2022.

Nhận hỗ trợ 6 con dê, 130kg cỏ voi, máy cắt thức ăn, gia đình anh đầu tư 20 triệu đồng làm chuồng lót sàn gỗ, ngăn ô khá bài bản. Được tập huấn, đào tạo, hướng dẫn quy trình chăn nuôi dê, người đàn ông Tà Ôi này vui mừng khi nắm bắt được nhiều kiến thức mới mẻ. “Nuôi theo kiểu trước đây, mình chỉ biết chăm sóc, cho ăn theo thói quen; giờ thì áp dụng cách ủ thức ăn, giữ ấm mùa đông, tăng sức đề kháng cho dê con mới sinh. Có học, có hơn. Dự án giúp mình rất nhiều để trở thành một người chăn nuôi khoa học”, ông chủ đàn dê nói.

Đem hết công sức chăm sóc, áp dụng các kỹ thuật được học, anh là một trong những người thực hiện thành công mô hình và được dự án đánh giá cao. Một thuận lợi khác là anh có sẵn gần 5ha rừng cao su và keo làm nơi chăn thả dê. Mùa khô, dê được chăn thả và lùa vào khu lán trại trên rừng trồng nói trên. Vào mùa rét, anh lùa dê về chuồng và lên kế hoạch ủ thức ăn dự phòng; chuồng thì quây kín hoặc thắp thêm đèn giữ ấm. Nhằm chủ động nguồn thực phẩm cho vật nuôi, vợ chồng anh tranh thủ trồng thêm cỏ voi, lá trà, chuối cây… khi ủ cho thêm cám gạo, bột ngô, thức ăn tinh tăng sức đề kháng cho đàn dê.

Dê mẹ mang bầu tách đàn nuôi nhốt riêng, khi chúng chuyển dạ, anh đích thân đỡ đẻ, lau khô và sưởi ấm. “Dê con cần chăm sóc, theo dõi nhiều hơn; sau khi sưởi ấm thì vài ngày sau tiêm thuốc bổ sung sắt. Theo kinh nghiệm của mình, khi nhận dê giống từ nơi khác về nên cho dê nghỉ ngơi, uống nước, ăn lá tươi dần dần để chúng lại sức”, anh Noh chia sẻ.

Có sẵn nguồn thức ăn, anh Viên Đăng Noh còn kết hợp nuôi heo nái. Mỗi ngày từ 5h sáng, anh đã dậy lo đàn heo; sau 8h bắt đầu thả dê đi ăn, chiều lại lùa dê về; thời gian còn lại tất bật với việc trồng cỏ, cắt cỏ, vệ sinh chuồng trại. Quan niệm làm việc gì, nuôi con gì cũng phải chăm chỉ, đầu tư công sức xứng đáng nên người đàn ông ngoài 40 tuổi này không ngại khó, ngại khổ. Vợ anh, chị A Viết Thị Lép lo đồng áng, con cái, thi thoảng phụ giúp anh chăn nuôi. Mỗi năm đàn heo đẻ ba lứa, sau mỗi tháng, một cặp heo giống xuất chuồng bán 1-3 triệu đồng. Từ tiền bán 50 heo giống vừa qua, anh đầu tư trở lại cho việc chăn nuôi.

Với giá dê cỏ 130 ngàn đồng/kg, năm ngoái, anh bán một cặp dê đực thu về 17 triệu đồng. Một số hộ dân muốn nuôi dê thử nghiệm anh đều bày vẽ tận tình cách nuôi và chia sẻ con giống. Anh Pling Khen, người mới “khởi nghiệp” với 2 chú dê con đầu tiên kể: “Ban đầu cũng e dè và lo lắng lắm, sau có gì cũng gọi hỏi Noh và được Noh hướng dẫn thêm. Nhìn Noh, mình có thêm động lực học tập, phấn đấu”.

Ông Blúp Dương, Chủ tịch Hội Nông dân xã A Roàng cho biết: “A Roàng có một số mô hình kinh tế giảm nghèo bền vững, trong đó có mô hình nuôi dê mà gia đình anh Viên Đăng Noh là hộ dân tiêu biểu. Anh Noh rất chịu khó, chăm chỉ trong việc thực hiện mô hình chăn nuôi và được đánh giá cao. Hội cũng từng mời anh tham gia các hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm nuôi cùng bà con dân bản”.

Khá “mát tay” trong nuôi dê bách thảo, anh Noh đang tiếp tục tìm nguồn vốn vay phát triển đàn dê. “Mình vẫn mong mở rộng mô hình bởi kinh nghiệm, con giống đã có sẵn; giờ thêm nguồn lực mà thôi”, anh nói.

LINH TUỆ