Đoàn liên ngành kiểm tra ATTP ở một số nhà hàng trên địa bàn. Ảnh: L. Tuệ |
Cụ thể, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 29.874.000 đồng đối với ông Nguyễn Công Quốc Hào (SN 1992, trú tổ dân phố Địa Linh, phường Hương Vinh, thành phố Huế) - chủ hộ kinh doanh trên địa bàn về hành vi kinh doanh thịt gia súc không đạt yêu cầu vệ sinh thú y.
Trước đó, qua kiểm tra, cơ quan công an phát hiện hộ kinh doanh Nguyễn Công Quốc Hào kinh doanh thịt gia súc và sản phẩm từ gia súc không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y, bao bì đánh dấu đã qua kiểm tra vệ sinh thú y. Tại thời điểm kiểm tra, tại cơ sở của hộ kinh doanh này có 744kg da bò, giò bò, xương bò, ngẩu pín bò không đạt yêu cầu vệ sinh thú y.
Đây không phải là lần đầu tiên các cơ quan chức năng ở Thừa Thiên Huế phát hiện cũng như mạnh tay với nạn buôn bán, tiêu thụ thực phẩm bẩn như thế này.
Gần nhất, ngày 15/1/2024, qua kiểm tra tại kho hàng thực phẩm đông lạnh do ông Lương Hùng Minh (SN 1971) tại thôn La Khê, phường Hương Vinh (TP. Huế) làm chủ, tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh phát hiện số lượng lớn thịt lợn và nội tạng lợn với tổng trọng lượng 3 tấn có dấu hiệu vi phạm. Tại thời điểm kiểm tra, chủ kho hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có giấy tờ chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không thực hiện việc đóng dấu kiểm soát giết mổ lên thân thịt gia súc hoặc có dán tem vệ sinh thú y.
Điều đáng nói, một số hàng hóa là thịt đã có dấu hiệu đổi màu và bốc mùi. Và có mẫu mức nhiễm khuẩn gấp 60 lần giới hạn cho phép.
Trước đó, ngày 20.12.2023, lực lượng chức năng khám xét kho hàng "Thịt heo bò xuất nhập khẩu tại Huế", địa chỉ tại thôn Xuân Lai, xã Lộc An, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế), do Hồ Thị Nhiên (30 tuổi, trú tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc) làm chủ.
Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện kho hàng này đang lưu trữ hơn 1 tấn thực phẩm gồm trứng gà non, giò heo, ba chỉ rút xương, xương đùi bò, bắp bò, bắp trâu, lõi bò… có dấu hiệu vi phạm. Thời điểm này, chủ kho hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chưa cung cấp được các giấy tờ liên quan về việc kinh doanh số hàng hóa này.
Không thể tưởng tượng nổi, những tạ, tấn thực phẩm nhiễm khuẩn như thế này, nếu chẳng may trót lọt rồi phân bổ cho những nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thì hậu quả mang đến cho người dân sẽ khủng khiếp như thế nào.
Nói hậu quả khủng khiếp là bởi những tạ, tấn thực phẩm bẩn như thế này, nếu trót lọt đưa ra thị trường, không những gây hại đến sức khỏe của người dân ở địa phương mà còn phá hoại cả nền du lịch của Thừa Thiên Huế.
Trong năm 2023, du lịch Việt Nam đã có một bài học vô cùng đau thương khi quán mỳ Phượng ở Hội An xảy ra ngộ động thực phẩm hàng loạt với du khách người nước ngoài. Và vụ ngộc độc này không chỉ “giết chết” một thương hiệu là “bánh mỳ Phượng”, mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến du lịch Hội An và xa hơn là cả miền Trung, cả nước. Và hãy luôn nhớ rằng, những vụ ngộ độc tương tự có thể sẽ xảy ra với bất kỳ ai, bất kỳ địa phương nào nếu tình trạng thực phẩm bẩn mua bán tràn lan như hiện nay không được kiểm soát.
Vậy nên, các hành vi vi phạm pháp luật về chăn nuôi, thú y, về an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng hóa không hóa đơn chứng từ, rõ nguồn gốc... đều cần phải xử lý nghiêm khắc nhất có thể, thậm chí xử lý hình sự để răn đe nếu đủ cơ sở, căn cứ về dấu hiệu phạm tội.
Mặt khác, việc thường xuyên “ra quân” để kiểm tra, xử lý, xử phạt như các cơ quan chức năng của Thừa Thiên Huế đang làm trong thời gian qua là rất cần thiết. Nhưng sự cần thiết này phải được làm đồng bộ, thường xuyên chứ không nên làm theo “chiến dịch” nhằm hướng đến một cam kết: Thừa Thiên Huế là nơi không chỉ người dân mà cả du khách trong và ngoài nước tìm đến đều luôn được ăn, uống “sạch” nhất có thể!