Yêu cầu nhân lực chất lượng cao đòi hỏi công tác đào tạo nghề du lịch cần áp dụng chuyển đổi số

ThS. Phạm Bá Hùng, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế cho biết, chuyển đổi số trong đào tạo nghề du lịch tại trường học thời gian qua được đẩy mạnh. Không chỉ áp dụng chuyển đổi số trong các bài giảng, dạy và học mà còn trong công tác quản lý. Thực tế, chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn trong việc cải thiện và đa dạng hóa phương pháp giảng dạy và học tập. Qua đó, tăng cường sự tương tác và trải nghiệm học tập cho học viên. Công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn, học máy, và thực tế ảo (VR) mang lại cơ hội để phát triển các phương pháp đào tạo mới, từ các khóa học trực tuyến đến các buổi học tương tác với sự hỗ trợ của AI và VR, nhằm mô phỏng các tình huống thực tế trong ngành du lịch.

Tuy nhiên, chuyển đổi số trong đào tạo nghề du lịch cũng đặt ra không ít thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là việc đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin. Điều này đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn cùng với sự cam kết từ phía các cơ sở đào tạo và Chính phủ. Ngoài ra, việc phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng và năng lực sư phạm để giảng dạy trong môi trường số cũng là một thách thức, cần phải có chương trình đào tạo giáo viên chuyên nghiệp và bài bản.

Tại hội thảo quốc tế “Chuyển đổi số trong đào tạo nghề du lịch” được tổ chức tại Huế mới đây, GS.TS.NGƯT. Đào Mạnh Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chủ tịch Hiệp hội đào tạo du lịch Việt Nam (VITAE) chỉ ra rằng, các đơn vị trong ngành du lịch vẫn gặp những thách thức về nhiều mặt, đặc biệt là thiếu nhân lực. Đào tạo kỹ năng nghề cho các chuyên ngành đặc thù của du lịch đòi hỏi công việc đào tạo thực hành phải chiếm trên 60% thời lượng, đó là những chuyên ngành như: Kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật pha chế đồ uống... Để việc áp dụng chuyển đổi số trong giảng dạy các chuyên ngành này cần cung cấp kiến thức và kỹ năng cho lực lượng giảng viên, không phó mặc cho bộ phận truyền thông đơn thuần, phải biết tận dụng thế mạnh của chuyển đổi số kết hợp với kỹ năng thực hành cao tạo ra phương thức giảng dạy hiệu quả. Bên cạnh đó, chủ trương trường liên kết với các doanh nghiệp du lịch để triển khai việc giảng dạy thực hành là một chủ trương rất đúng đắn, thực tế gần như các trường đều có liên kết với doanh nghiệp, nhưng cũng cần quan tâm hơn đến chất lượng đào tạo thực chất trong mối liên kết này.

Theo các chuyên gia, để tận dụng tối đa cơ hội và vượt qua thách thức, các cơ sở đào tạo nghề du lịch cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số toàn diện, từ việc nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ, phát triển nội dung chương trình đào tạo, đến việc áp dụng các phương pháp giảng dạy và học tập mới mẻ và sáng tạo. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp trong ngành du lịch và Chính phủ.

TS. Võ Hoàng Liên Minh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch cho biết, theo Chương trình Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Tổng cục Dạy nghề đã định hướng các nhóm giải pháp để triển khai. Đó là: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; ban hành các tiêu chuẩn về trường học số, hạ tầng số, phòng học thực hành số, chương trình, giáo trình số, ứng dụng thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường, thực tế ảo hỗn hợp. Đồng thời, cần triển khai các công cụ và các hoạt động đảm bảo chất lượng, kiểm tra, đánh giá kỹ năng nghề thông qua môi trường số.

Theo GS.TS.NGƯT. Đào Mạnh Hùng, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch cần nhanh chóng áp dụng phương pháp giảng dạy tiên tiến hiệu quả cao, mạnh dạn vượt lên chính mình, nhìn nhận rõ những hạn chế tạo ra lối mòn của sự trì trệ; tập trung chuyển đổi số trong chương trình giảng dạy. Cần có một chủ trương, kế hoạch và sự tổ chức đồng bộ từ cơ quan quản lý đến người đứng đầu cơ sở đào tạo và lực lượng giảng viên, kỹ thuật viên, kiểm định chất lượng đào tạo cho đến sinh viên có đủ năng lực tiếp cận phương thức giảng dạy chuyển đổi số ngay từ những bước đi đầu tiên, những bài học đầu tiên.

Bài, ảnh: Hữu Phúc