Đạo luật đầu tiên về AI đã được châu Âu thông qua. Ảnh minh họa: Theweek.in/TTXVN

Trong một nhận định liên quan, ông Thierry Breton, Ủy viên thị trường nội địa Liên minh châu Âu (EU) cho hay: “Châu Âu ngay bây giờ là nơi đặt ra tiêu chuẩn toàn cầu về AI”.

Bên cạnh đó, Chủ tịch EP Roberta Metsola mô tả đạo luật này là “tiên phong”; và nói rằng, đạo luật sẽ tạo điều kiện cho sự đổi mới sáng tạo, đồng thời bảo vệ các quyền cơ bản. “Trí tuệ nhân tạo đã trở thành một phần rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Bây giờ, công nghệ này cũng sẽ là một phần của luật pháp”, bà Roberta Metsola lưu ý.

Về phần mình, ông Dragos Tudorache, một nhà lập pháp giám sát các cuộc đàm phán của EU đã lên tiếng ca ngợi đạo luật này; song cũng lưu ý trở ngại lớn nhất vẫn là việc thực hiện.

Được giới thiệu vào năm 2021, Đạo luật về AI của EU phân loại các hệ thống của công nghệ trí tuệ nhân tạo dựa trên mức độ rủi ro, từ “không thể chấp nhận” đến các mức độ nguy hiểm cao, trung bình, và thấp. Các quy định dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 5 năm nay, sau khi vượt qua bước kiểm tra cuối cùng và nhận được sự thông qua từ Hội đồng châu Âu (EC).

EU đang nỗ lực theo kịp tác động của sự phát triển công nghệ đến người tiêu dùng và vị thế thống trị thị trường của những bên tham gia chủ chốt. Mối lo ngại ngày càng gia tăng về nguy cơ lạm dụng trí tuệ nhân tạo, ngay cả khi những gã khổng lồ như Microsoft, Amazon, Google và nhà sản xuất chip Nvidia đang kêu gọi đầu tư vào loại công nghệ này.

“Đạo luật về AI thúc đẩy sự phát triển của AI theo hướng con người kiểm soát công nghệ, và công nghệ sẽ giúp chúng ta thúc đẩy những khám phá mới để tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và giải phóng tiềm năng của con người”, ông Dragos Tudorache nói thêm.

Bên cạnh đó, nhà lập pháp này cũng cho rằng, Đạo luật về AI không phải là điểm kết thúc của cuộc hành trình, mà là điểm khởi đầu cho một mô hình quản trị mới được xây dựng dựa trên công nghệ.

 Các chuyên gia pháp lý mô tả đạo luật này là một cột mốc quan trọng đối với quy định về trí tuệ nhân tạo quốc tế, đồng thời lưu ý đạo luật có thể mở đường cho các quốc gia khác đi theo.

“Một lần nữa, EU đã đi trước, phát triển một bộ quy định rất toàn diện”, Steven Farmer, đối tác và chuyên gia AI tại Công ty luật quốc tế Pillsbury cho biết.

Trong khi đó, Mark Ferguson, chuyên gia chính sách công tại Công ty luật Pinsent Masons nhấn mạnh, việc thông qua đạo luật này mới chỉ là bước khởi đầu, và các doanh nghiệp sẽ cần hợp tác chặt chẽ với các nhà lập pháp để hiểu cách thực hiện đạo luật này.

LÊ THẢO (Lược dịch từ CNBC)