Trung Quốc đang nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực đổi mới khoa học và công nghệ. Ảnh minh họa: AFP/Tuoitre |
Để mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho đầu tư nước ngoài, nước này sẽ dỡ bỏ các hạn chế đối với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất và tiếp tục tăng độ “mở cửa” trong các lĩnh vực như viễn thông và chăm sóc sức khỏe, Chinadaily đưa tin.
Theo đó, các tổ chức tài chính nước ngoài sẽ được cấp quyền tiếp cận nhiều hơn vào các lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm của Trung Quốc, đồng thời phạm vi hoạt động của các tổ chức tài chính nước ngoài sẽ được mở rộng trên thị trường trái phiếu Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Gao Lingyun tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận xét, việc đưa ra kế hoạch hành động này cho thấy Trung Quốc đang tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, đổi mới công nghệ và nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Thực tế, Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Tốc độ đầu tư xuyên biên giới toàn cầu nhìn chung vẫn còn chậm, nhiều nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi đang cạnh tranh để nới lỏng các hạn chế đầu tư, do đó làm tăng thêm sự cạnh tranh trong cuộc đua thu hút đầu tư.
Hơn nữa, việc áp dụng các chiến lược như “giảm rủi ro” của một số nước phương Tây đã khiến các công ty đa quốc gia do dự về lựa chọn đầu tư của họ, từ đó tạo ra thách thức cho Trung Quốc trong nỗ lực thu hút vốn nước ngoài.
Giải quyết những vấn đề này, Giáo sư Cui Fan tại Đại học Kinh doanh Kinh tế Quốc tế ở Bắc Kinh cho rằng, việc đẩy nhanh việc thiết lập mô hình phát triển mới và nâng cao mức độ tận dụng vốn đầu tư nước ngoài là rất quan trọng.
Theo Giáo sư Cui, tăng cường sức hấp dẫn của thị trường Trung Quốc đối với các nhà đầu tư toàn cầu và tối ưu hóa môi trường cho đầu tư nước ngoài là vấn đề then chốt. Một khi Trung Quốc tiếp tục tiến bộ trong việc thực hiện các chính sách mở cửa kinh tế và thúc đẩy lực lượng sản xuất mới có chất lượng, các công ty toàn cầu sẽ tìm thấy những cơ hội tăng trưởng mới, đặc biệt là trong các lĩnh vực như sản xuất cao cấp, chuyển đổi kỹ thuật số và nỗ lực khử carbon.
Stephen Lewis, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Voith Hydro, một nhà sản xuất thiết bị thủy điện của Đức, cho biết nền kinh tế Trung Quốc đang chuyển hướng sang phát triển chất lượng cao và nhu cầu về công nghệ xanh bền vững ngày càng tăng. “Sự thay đổi này mang lại động lực mới cho các công ty toàn cầu”, ông Lewis cho biết.
Để thúc đẩy một môi trường cởi mở, công bằng và cạnh tranh hơn cho các tập đoàn đa quốc gia, kế hoạch hành động mới của Trung Quốc cho biết sẽ nỗ lực chấm dứt các hành vi cản trở cạnh tranh công bằng và cải tiến quy trình đấu thầu, đảm bảo các công ty nước ngoài có thể tham gia thiết lập các tiêu chuẩn và tham gia các ủy ban trong những điều kiện công bằng.
(Lược dịch từ China Daily)