Một góc trưng bày triển lãm “Sắc xuân” |
Triển lãm gửi đến người xem gần 150 bức tranh và bản khắc tranh dân gian thuộc 4 dòng tranh trong số những dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam gồm Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống, Kim Hoàng (Hà Nội) và Làng Sình (Huế) thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Huế.
Những bức tranh này được sáng tác để phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày của Nhân dân. Qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, những bức tranh trở nên vô cùng độc đáo. Mỗi tác phẩm là một thông điệp mang tính nhân văn sâu sắc. Các dòng tranh dân gian là sự kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ, tinh thần và tín ngưỡng, mang đậm yếu tố văn hóa của con người Việt Nam qua các thời đại. Tranh dân gian không chỉ đáp ứng các nhu cầu thẩm mỹ và tín ngưỡng tâm linh của người dân mà còn ẩn chứa, đề cao đạo lý làm người, giáo dục những phẩm chất tốt đẹp và cầu mong những điều tốt đẹp.
Bên cạnh trưng bày giới thiệu tranh dân gian, các hoạt động giáo dục mỹ thuật có tính thực nghiệm cho đối tượng chính là các em học sinh và những người yêu thích nghệ thuật dân gian. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 22/3.
*Cùng ngày, chương trình sáng tác “Hành trình ký họa nét đẹp Phú Lộc 2024” đã khai mạc tại huyện Phú Lộc với sự tham gia của gần 50 họa sĩ là những người yêu thích ký họa đến từ Hà Nội và Huế.
Chương trình ký họa do Bảo tàng Mỹ thuật Huế phối hợp với Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Lộc và một số tổ chức có liên quan trên địa bàn huyện Phú Lộc tổ chức.
Diễn ra từ ngày 20-24/3, các họa sĩ sẽ đi thực tế các danh thắng nổi tiếng Phú Lộc như đầm Cầu Hai, hồ Truồi, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, chùa Thánh Duyên, Vườn quốc gia Bạch Mã… để trải nghiệm và sáng tác.
Theo ban tổ chức, thông qua các hoạt động sáng tác hội họa, ký họa trực tiếp sẽ góp phần bảo tồn, quảng bá và tôn vinh giá trị di sản văn hóa Huế nói chung; nét văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, lịch sử truyền thống của mảnh đất và con người Phú Lộc nói riêng đến du khách trong nước và bạn bè quốc tế qua góc nhìn hội họa.