Trên những chuyến bay của Vietnam Airline, hành khách được thưởng thức bún bò Huế. Ảnh: VNA |
Thu hút khá đông du khách, festival với tên gọi “Con đường phở Việt” nhằm góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa của một vùng đất từ đặc sản ẩm thực truyền thống nổi tiếng như phở. Và xa hơn, mục tiêu mà ban tổ chức lễ hội hướng đến là tranh thủ sự ủng hộ để xúc tiến hồ sơ công nhận phở là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và thế giới trong thời gian tới.
Sự kiện festival phở ở Nam Định khiến chúng ta nghĩ đến bún bò của Huế - một đặc sản ẩm thực nổi tiếng có lẽ không kém phở khi mới đây nhất, cuối năm 2023, bún bò Huế cùng với 5 món ẩm thực khác của vùng đất Cố đô được Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam tôn vinh và công nhận giá trị của các món ăn tiêu biểu của Việt Nam. Trước đó, năm 2012, bún bò Huế nằm trong top 100 món ăn đạt giá trị ẩm thực châu Á do Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận.
Được ghi nhận trong Từ điển An Nam - Bồ Đào Nha - La Tinh của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes từ năm 1651; được cắt nghĩa trong Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của từ năm 1895; được đi vào những trang viết của nhà văn Vũ Bằng..., đến nay, bún Việt đã có hành trình lâu dài, ẩn mình trong dòng chảy văn hóa dân tộc, khắc ghi vào tâm thức của nhiều thế hệ người Việt. Đây cũng là món ăn, từng được đầu bếp trứ danh Anthony Bourdain của kênh truyền hình CNN cho là “món súp ngon nhất thế giới”.
Huế cũng được xem là “cái nôi” của bún, với làng bún Vân Cù ở thị xã Hương Trà, đã đi vào sử sách. Làng bún Ô Sa ở xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền cũng xuất hiện cách đây hàng trăm năm, làm nên một thương hiệu bún được truyền nối qua nhiều thế hệ.
Mới đây nhất, trên trang facebook cá nhân của mình, chuyên gia thời tiết - TS. Huy Nguyễn chia sẻ, khi trở lại thăm Huế, một trong những điều đầu tiên ông làm là dành thời gian thưởng thức một tô bún bò Huế. Cũng như TS. Huy Nguyễn, với nhiều người dân Huế và du khách, bún bò Huế quyến rũ đến mức, “nếu về Huế mà chưa kịp thưởng thức một tô bún bò Huế thì như chưa đến Huế”.
Chưa có thống kê chính thức, nhưng ở Huế, từ thành thị đến nông thôn, bún bò từ lâu đã trở thành đặc sản ẩm thực phổ biến, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho không ít gia đình. Ngoài các quán bún bình dân phục vụ thực khách địa phương, nhiều hàng bún phục vụ du lịch dần hình thành, tạo nên “hệ sinh thái” với các “quần thể bún” trên các tuyến phố trung tâm như Lý Thường Kiệt, Hà Nội, Trần Hưng Đạo. Người dân Huế trong hành trình di cư, cũng đã mang thương hiệu bún bò Huế ra Bắc, vào Nam, sang Mỹ, Pháp...
Gần đây, trong bộ thực đơn “trên không” lấy phong cách ẩm thực Việt làm trọng tâm của hãng máy bay Vietnam Airlines, cùng với bún chả Hà Nội, mỳ Quảng, bún trộn thịt nướng, hủ tiếu Mỹ Tho..., bún bò Huế được chọn, nhằm mang đến hương vị đặc trưng của Huế trên các chuyến bay.
Nhằm tôn vinh, quảng bá những giá trị văn hóa ẩm thực đặc sắc của Huế, đặc biệt là mục tiêu nâng tầm vị thế của bún Huế, đóng góp vào tiến trình xây dựng hồ sơ công nhận Ẩm thực Huế là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thế giới, năm 2023, trong khuôn khổ Festival Nghề truyền thống Huế 2023, Lễ hội Ẩm thực “Tinh hoa Nghề bún” được tổ chức.
Nhiều năm nay, trong khuôn khổ các kỳ festival, cùng với ẩm thực, bún bò Huế cũng được quảng diễn, giới thiệu đến du khách. Tuy nhiên, với bề dày lịch sử, tiếng tăm cùng sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống, bún bò Huế hoàn toàn có thể là chủ nhân của một fesival độc lập như Nam Định đã làm với phở.
Với tiềm năng hiện có về văn hóa ẩm thực nói chung, Huế hoàn toàn có thể hình thành nên một ngành “công nghiệp ẩm thực”. Ở đó, từng thế mạnh, từng di sản cần có chiến lược, lộ trình khai thác sâu, chuyên biệt để thế mạnh được phát huy tối đa, từ công tác quảng bá, đầu tư sản phẩm, thương hiệu...
Không chỉ có bún bò, Huế còn là kinh đô của ẩm thực chay, yến tiệc cung đình, là thế giới của các loại bánh..., tạo nên tiềm năng vô cùng lớn về chuỗi dịch vụ ăn uống, được ví như phần lõi, linh hồn của nguồn thu trong dịch vụ du lịch.
Huế cũng đang hướng đến mục tiêu xây dựng kinh đô ẩm thực với khát vọng trở thành “bếp ăn của thế giới”. Trong bức tranh ẩm thực quá rộng, quá phong phú ấy, nếu không chọn những sản phẩm mũi nhọn để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, e rằng, danh hiệu “ẩm thực Huế” sẽ thiếu điểm nhấn, thiếu chiều sâu, khó có sự đột phá.
Nên chăng, hãy tìm và đầu tư điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực Huế, bắt đầu từ bún?