Tàu container di chuyển qua Kênh đào Suez. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Ông Lian Hoon Lim, Giám đốc điều hành tại Công ty tư vấn AlixPartners cho biết: “Sự ổn định đang diễn ra bởi cung và cầu về năng lực vận tải đang trở lại cân bằng sau cú sốc ban đầu”.

Được biết, giá cước vận chuyển container đã tăng đáng kể trong quý cuối cùng của năm 2023; kể từ đó, giá cước đã giảm nhẹ. Chỉ số Drewry World Container, trong đó theo dõi giá cước vận chuyển container trên các tuyến đường chính, được công bố ngày 21/3 đã giảm xuống còn 3.010 USD, đánh dấu mức giảm 24% so với mức cao gần đây là 3.964 USD được công bố ngày 25/1, nhưng vẫn cao hơn 112% so với mức giá trung bình cả năm là 1.420 USD vào năm 2019.

Chỉ số này bắt đầu tăng từ mức 1.382 USD được công bố vào ngày 30/11/2023, sau khi giao thông vận tải biển bắt đầu tránh tuyến đường Kênh đào Suez - Biển Đỏ sau các cuộc tấn công đầu tiên vào tháng 10 cùng năm.

 Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), thương mại qua Kênh đào Suez đã giảm 50% trong 2 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước. Giá cước vận chuyển tăng do hầu hết các hãng vận chuyển chọn tuyến đường vòng dài hơn quanh Mũi Hảo Vọng.

Các nhà phân tích của Fitch Ratings cho rằng, tuyến Mũi Hảo Vọng tăng thêm 50% tổng thời gian hành trình của tuyến châu Á đến châu Âu, và làm tăng chi phí vận hành của các công ty vận tải theo tỷ lệ tương tự. Bên cạnh đó, do đây là tuyến đường dài hơn nên toàn bộ hành trình cần được chia thành nhiều tàu hơn, nên nhu cầu về tàu càng tăng thêm.

Các nhà quan sát trong ngành kỳ vọng, giá cước sẽ duy trì ổn định ở mức hiện tại do ngành này đã thích nghi với sự gián đoạn. Trên thực tế, các tuyến đường dài hơn và nhu cầu về tàu tăng cao cũng đã giúp giải quyết tình trạng dư cung đối với năng lực vận tải trước đó. Tình trạng dư cung này là kết quả của các đơn đặt hàng tàu mới được thực hiện trong giai đoạn đại dịch, với nhu cầu cực kỳ cao.

Cũng theo ông Lian Hoon Lim, ngay sau các cuộc tấn công ở Biển Đỏ, giá cước container tăng vọt do các hãng vận chuyển phải điều chỉnh mạng lưới và triển khai nhiều tàu hơn trên tuyến Á - Âu. Nhưng đến nay, hầu hết các hợp đồng vận chuyển sẽ được đàm phán lại để phản ánh tình hình, khiến giá cước ổn định hơn.

Trong khi đó, các nhà phân tích của Fitch Ratings nhận định, tác động của sự gián đoạn ở Biển Đỏ đối với giá cước vận chuyển và chuỗi cung ứng hiện đã ổn định, nhưng giá cước có thể duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.

Sự gián đoạn ở Biển Đỏ cũng thúc đẩy sự quan tâm đến những lựa chọn thay thế bằng đường hàng không và đường sắt, tuy việc áp dụng bị hạn chế bởi giá cả và năng lực.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ The Business Times)