Mệ Trương Thị Thia (giữa) nhận giấy khen "Người tốt việc tốt" từ Ban Quản lý chợ Đông Ba. Ảnh: Ban Quản lý chợ Đông Ba |
Một buổi sáng như thường ngày, mệ Trương Thị Thia, tiểu thương chợ Đông Ba, dọn hàng trái cây bên đường Chương Dương ra sạp. Đang lúi húi bưng từng rổ trái cây, mệ Thia nghe một người khách đi qua nhắc: “Mệ! Rớt tiền nì”.
Đúng rồi, đúng rồi! Của tui đó! May nhờ cô ni nhắc”. Nói rồi mệ cầm cái bì ni lông lên mở ra xem. Mệ bắt đầu đếm từng tờ 10.000 đồng đến những tờ 100.000 đồng. Tổng cộng hơn 10 triệu đồng. “Đây là số tiền không nhỏ của ai đánh rơi, chắc giờ này cũng đang tất bật kiếm tìm”, mệ nghĩ. Đi chợ sớm như vậy chỉ có thể là chị em tiểu thương, hoặc những người có việc nhà gấp cần phải mua hàng khi trời còn nhá nhem. “Mất số tiền ni nhiều khi hết vốn liếng làm ăn”… Nghĩ vậy, mệ cầm túi tiền lên Ban Quản lý Chợ Đông Ba nhờ thông báo để người mất tiền có thể nhận lại.
Chị Nguyễn Thị Hoa, một người bán quán bún nhỏ mất tiền nhưng không dám nói với ai, chỉ sợ gia đình biết lại bị chỉ trích rằng hậu đậu, bất cẩn. Hơn 10 triệu đồng là vốn liếng buôn bán gánh bún nhỏ của chị. Tiếc của nhưng không dám than vãn. Thế rồi, chị nghe thông báo từ Ban Quản lý chợ trên loa truyền thanh nội bộ. Chị mừng đến phát khóc. Nhận lại hơn 10 triệu đồng trên tay, chị nghẹn ngào. Mệ Thia cười tươi: Lượm được của rơi, trả người đánh mất, như rứa mới đúng là "văn minh thân thiện là người Đông Ba".
Nụ cười của mệ hơn 50 năm gắn bó với ngôi chợ Đông Ba khi kể chuyện, khi bán hàng thật hồn hậu: "Không chỉ có tui, có nhiều chị em trong chợ ni cũng lượm được của rơi, đem tới BQL chợ để tìm người trả lại. Người được nhận lại tiền vui thì người cho lại cũng hạnh phúc”. Quả thật như thế, trong năm 2023, Ban Quản lý chợ Đông Ba đã tiếp nhận, xác minh và trả lại tài sản (tiền, điện thoại, giấy tờ, hàng hóa…) cho 12 trường hợp người đánh rơi. Trong những tháng đầu năm 2024, đã 5 lần Ban Quản lý và tiểu thương chợ Đông Ba hỗ trợ cho những người bị mất tài sản. Khi được hỏi, những tiểu thương nhặt được của rơi đều có cùng suy nghĩ: “Mình mà có số tiền lớn như ri, mà làm mất cũng cảm thấy lo lắng, mất ăn, mất ngủ, huống chi là người khác”. Nghĩ vậy, các chị báo với Ban Quản lý chợ để tìm và trả lại cho người mất.
Bên cạnh những nghĩa cử cao đẹp của Ban Quản lý và tiểu thương tại chợ, đặc biệt có trường hợp chị Nguyễn Thị Hồng Vân (Phường Trường An) đến chợ mua sắm, lúc ra về nhặt được một chiếc lắc vàng trị giá hơn 35 triệu đồng tại khu vực mặt tiền. Sau đó, vị khách đã đến văn phòng Ban Quản lý để tiến hành xác minh và trao trả lại cho người mất là chị Nguyễn Thị Thu, tiểu thương tại chợ. Nhận lại được được tài sản, chị Thu đã tặng chị Hồng Vân 3 triệu đồng nhằm cảm ơn. Ngay sau đó, chị Hồng Vân đã ủng hộ toàn bộ số tiền cho chương trình “Nồi cơm yêu thương” và “Tủ mì không đồng” của chợ Đông Ba.
Theo đại diện Ban Quản lý chợ, việc “nhặt được của rơi, trả người đánh mất” là một nét đẹp đạo đức đáng quý, mỗi tấm gương người tốt, việc tốt đều là hành động đẹp không phân biệt địa vị, tuổi tác và đều đáng được trân trọng, tuyên dương. Thông qua những việc làm tử tế đã và đang diễn ra tại chợ, Ban Quản lý chợ hy vọng có thể lan tỏa những cử chỉ cao đẹp, góp phần tuyên truyền, nhân rộng, tạo thành một vườn hoa việc tốt. Từ đó, “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, gieo vào lòng du khách sự thân thiện, trung thực, tình người, xây dựng chợ Đông Ba ngày một văn minh.