Xuất hóa đơn theo từng lần bán bằng thiết bị cầm tay |
Thay đổi thói quen người tiêu dùng
Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Trong trường hợp người bán có sử dụng máy tính tiền thì người bán đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế và tiến hành xuất hóa đơn theo từng lần bán cho khách hàng. Đây là quy định của Luật Quản lý thuế.
Tuy nhiên thời gian qua, không ít nhà hàng không tiến hành xuất hóa đơn cho khách hàng, thậm chí một số nhà hàng còn lấy lý do giá trị giao dịch thấp, nhà hàng không tính thuế vào giá niêm yết… để từ chối xuất hóa đơn khi khách hàng đề nghị.
Chị Lê Thị Thái Thủy (TP. Huế) chia sẻ, bản thân có thói quen tụ tập gia đình, bạn bè đi ăn bên ngoài vào các dịp lễ hay cuối tuần, thấy rất nhiều nhà hàng tính thuế VAT vào hóa đơn tính tiền. Tuy nhiên, chị thắc mắc một điều, nếu mình không lấy hóa đơn thì số tiền thuế VAT 8% hay 10% mà nhà hàng thực thu sẽ đi về đâu.
Băn khoăn là vậy, song chị Thủy cũng lựa chọn không lấy hóa đơn vì lý do “lấy cũng không biết để làm gì”.
Tình trạng các nhà hàng dù tính thuế VAT vào hóa đơn thanh toán, nhưng không xuất hóa đơn điện tử cho các khách hàng (do khách hàng không có nhu cầu xuất hóa đơn) đang là lỗ hổng lớn gây thất thu ngân sách. Điều này vô hình trung biến hành vi “không lấy hóa đơn vì không có nhu cầu” của khách hàng thành hành vi vô tình “tiếp tay” cho tình trạng trốn thuế, gây thất thu thuế ngân sách.
Qua đây cũng khẳng định, thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng của người dân sẽ góp phần chống thất thu ngân sách, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng. Đồng thời, việc tạo lập thói quen mua hàng lấy hóa đơn cũng bảo đảm quyền lợi của người mua hàng trong giao dịch thương mại.
Triển khai đồng bộ việc xuất hóa đơn theo từng lần bán
Để giảm thiểu thất thu thuế trong các lĩnh vực dịch vụ nói chung và lĩnh vực ăn uống nói riêng, ngành thuế đã đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Trong đó, lĩnh vực ăn uống được chọn làm điểm để nhân rộng ra các lĩnh vực khác.
Theo bà Âu Thị Nguyệt Liên, Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế tỉnh), một doanh nghiệp bán hàng không xuất hóa đơn sẽ được đưa vào diện rủi ro cao về thuế và ngành thuế sẽ áp dụng các quy trình nghiệp vụ về thanh tra, kiểm tra để hạn chế thất thu thuế. Lĩnh vực ăn uống là một trong số đó, bởi lĩnh vực này có tỷ lệ xuất hóa đơn theo từng lần bán rất thấp. Đó cũng là lý do, Cục Thuế tỉnh chọn lĩnh vực ăn uống làm điểm trong áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền để đẩy mạnh triển khai ra các lĩnh vực khác.
Theo kết quả rà soát, trong giai đoạn đầu sẽ có 292 doanh nghiệp, hộ kinh doanh triển khai hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền trong lĩnh vực ăn uống. Quá trình triển khai, một số khó khăn, vướng mắc cũng dần xuất hiện.
Một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này chia sẻ, trong quá trình kinh doanh, tình huống khách hàng yêu cầu ghi nợ hóa đơn (xuất hóa đơn sau) rất phổ biến. Số tiền yêu cầu xuất hóa đơn đôi khi sẽ có một số chênh lệch nhỏ so với hóa đơn thực tế. Vì thế, việc xuất hóa đơn theo từng lần bán sẽ gây nên một số rủi ro, nhất là gây khó khăn cho kế toán nếu phát sinh yêu cầu điều chỉnh hóa đơn.
Vị này khẳng định, doanh nghiệp không đáp ứng nhu cầu của khách hàng thì nguy cơ mất khách rất cao. Vì thế, nếu triển khai hóa đơn theo từng lần bán đối với lĩnh vực này, đề nghị ngành thuế cần triển khai đồng loạt ở các cơ sở kinh doanh và thống nhất cách thức thực hiện, có như thế mới đảm bảo công khai, minh bạch, vừa đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh.
Số khác thì cho rằng, việc áp dụng hóa đơn theo từng lần bán sẽ làm phát sinh thêm chi phí cho cơ sở kinh doanh.
Tuy nhiên, các đơn vị cung ứng dịch vụ hóa đơn lại cho rằng, việc xuất hóa đơn theo từng lần bán đối với các dịch vụ ăn uống sẽ không phát sinh quá nhiều chi phí. Nếu chi phí hóa đơn điện tử thông thường trung bình dao động từ 150 đồng/hóa đơn, thì với hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền chi phí này có thể giảm xuống 50-60 đồng/hóa đơn, không phát sinh thêm các chi phí khác. Các đơn vị cung ứng dịch vụ hóa đơn cũng cam kết hỗ trợ các chi phí thiết kế, chuyển đổi hóa đơn nên các rào cản về giá sẽ rất ít.
Cũng theo bà Âu Thị Nguyệt Liên, cơ sở kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền sẽ không bắt buộc có chữ ký số trên hóa đơn, đặc biệt, không yêu cầu phải có thiết bị đặc thù, chuyên dùng. Người nộp thuế chỉ cần máy tính, máy in, đường truyền internet, thậm chí các thiết bị điện tử cầm tay cũng có thể khởi tạo hóa đơn.
Tại một địa điểm bán hàng có thể thiết lập nhiều máy tính tiền theo quy định để xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng một cách nhanh chóng, thuận lợi. Kế toán cũng có thể chủ động hơn trong việc điều chỉnh sai sót do hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền được gửi vào cuối ngày không phải gửi từng hóa đơn như loại hóa đơn có mã thông thường.
“Đồng thời, việc áp dụng hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền cũng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của khách hàng khi cần hóa đơn để tham gia dự thưởng do thông tin trên hóa đơn có thêm thông tin về CMND/CCCD trong trường hợp người mua hàng chưa có mã số thuế hoặc không nhớ mã số thuế. Đây là cơ hội để cơ sở kinh doanh thu hút thêm khách hàng và gia tăng doanh số”, bà Liên cho hay.