1. Theo thông tin từ ngành nông nghiệp, đợt rét đậm vừa qua đã làm gần 800 con gia súc trên địa bàn của tỉnh bị chết, chủ yếu là ở 2 huyện miền núi A Lưới và Nam Đông. Với giá bình quân mỗi con trâu bò khoảng 5 triệu đồng, đợt rét vừa qua đã làm thiệt hại trên dưới 4 tỷ đồng... Nguyên nhân trâu bò chết được ngành chức năng xác định là do tập quán chăn nuôi thả rong, không có chuồng trại, thiếu thức ăn dự trữ... khiến trâu bò đói rét dẫn đến kiệt sức và chết. Chuyện trâu bò chết ở các xã miền núi do đói rét trong mùa lạnh đã diễn ra trong nhiều năm qua. Điều đáng nói là “tập quán chăn nuôi hoang dã” trên vẫn tiếp tục gây thiệt hại cho đàn gia súc của tỉnh và không biết đến khi nào mới kết thúc?
2. Những năm qua, ngành nông nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa các tiến bộ mới về giống, kỹ thuật... để nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Cùng với chủ trương “sind” hoá đàn bò, đề án phát triển chăn nuôi lợn giống tỷ lệ nạc hoá cao giai đoạn 2009-2015 của tỉnh đang được triển khai thực hiện. Kết quả bước đầu cho thấy, đến nay toàn tỉnh có 113 trang trại, gia trại chăn nuôi trâu bò, 462 trang trại, gia trại chăn nuôi lợn; trong đó có 13 trại chăn nuôi trâu bò trên 50 con, 11 trại nuôi lợn qui mô trên 100 con lợn thịt... Kết quả trên là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, chất lượng và hiệu quả chăn nuôi của tỉnh vẫn chưa được quan tâm thoả đáng. Đặc biệt, phương thức chăn nuôi theo tập quán lạc hậu vẫn còn khá phổ biến tại các hộ chăn nuôi theo qui mô nhỏ lẻ. Tại hội nghị tổng kết công tác chăn nuôi, thú y, thú y thuỷ sản năm 2010 của Chi cục Thú y tỉnh, chất lượng giống đàn gia súc, gia cầm là một trong những vấn đề được quan tâm. Theo số liệu của Chi cục Thú y, đến cuối tháng 12-2010, toàn tỉnh có đàn trâu trên 28.880 con, tăng 1,33% so cùng kỳ; đàn bò hơn 27.380 con, tăng 1,05% so cùng kỳ. Nhưng tỷ lệ đàn bò lai chỉ có 8.782 con, chiếm 33,29% tổng đàn. Tương tự, tổng đàn lợn có 269.107 con; trong đó, lợn ngoại chỉ có 14.362 con, chiếm 5,34% so với tổng đàn...
3. Bên cạnh trồng trọt, nghề chăn nuôi chiếm một tỷ trọng đáng kể trong nguồn thu của các hộ nông dân. Nếu chỉ dựa vào trồng trọt, nông dân khó có cơ hội để thoát nghèo. Thực tế cho thấy, nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu không phải chính từ trồng trọt mà chủ yếu từ phát triển chăn nuôi. Theo đó, nâng cao hiệu quả chăn nuôi trên cơ sở phát triển trang trại, gia trại gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học là một hướng đi mới của tỉnh. Để đạt được mục tiêu trên, cùng với việc đưa các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào chăn nuôi... trước tiên cần phải thay đổi tập quán chăn nuôi lạc hậu từ bao đời nay của người nông dân; đặc biệt là các hộ nghèo, hộ dân tộc ít người ở các xã vùng núi. Thay đổi tư duy chăn nuôi theo hướng hàng hoá không chỉ giúp nông dân thoát nghèo, mà còn có thể tạo ra sản phẩm xuất khẩu trong tương lai. Đây không chỉ là nhiệm vụ của ngành nông nghiệp, mà còn là trách nhiệm của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội và ngành chức năng.
Hoàng Thành