Sông Hương trước công viên Trịnh Công Sơn và gần Cồn Hến rất lý tưởng cho các lễ hội đua thuyền |
Một trong những hạn chế khi tổ chức đua thuyền đoạn trước Phu Văn Lâu là mặt sông qúa rộng, phải ngăn nửa dòng để không ảnh hưởng giao thông đường thủy, trong đó có các tour du thuyền đưa khách tham quan lưu thông trên sông Hương.
Đua thuyền ở địa điểm này còn có hệ lụy khác là công tác bảo đảm lưu thông và an toàn giao thông trên trục đường Lê Lợi, đường Lê Duẩn.
Mặt khác, đua thuyền phải có cổ động viên dọc trên bờ cổ vũ mới tạo sinh khí vui nhộn. Vì thế, đua ghe làng trên sông An Cựu, sông Bồ, sông Ô Lâu…thường tạo được hiệu ứng cộng đồng rất lớn, nhờ sông hẹp, cổ động viên vừa dễ quan sát, vừa dễ di chuyển dọc hai bờ reo hò, cổ vũ. Không khí náo nhiệt trên bờ khích lệ các “ghe thủ” hăng hái hơn.
Trong cả nước, tôi thấy đua thuyền trên sông Kiến Giang (Lệ Thủy, Quảng Bình) là rất hay, đẹp và náo nhiệt. Ở đây có hai nhánh sông nhỏ và lộn vè ở ngã ba Mũi Viết (Chợ Tréo). Cổ động viên đứng dày đặc trên bờ của cả hai nhánh sông.
Từ ngày hội đua thuyền của huyện Lệ Thủy tôi thấy Huế nên tổ chức đua thuyền trên sông Hương trước công viên Trịnh Công Sơn là đẹp nhất và thuận lợi hơn nhiều so với tổ chức đua ở đoạn trước Phu Văn Lâu.
Các thuyền đua có thể diễu hành và đua tranh quanh Cồn Hến, lộn vè trước chợ Đông Ba – cầu Gia Hội hay cầu Chợ Dinh thì tuyệt đẹp. Cổ động viên có không gian lý tưởng dọc bờ sông ven Cồn Hến và trước đường Trịnh Công Sơn để cỗ vũ.
Tuy nhiên, cũng nên có tuyến đường đi bộ vòng quanh Cồn Hến và dọc bờ sông trước đường Trịnh công Sơn, giống như đường đi bộ dọc sông Như Ý. Những con đường này còn giúp cho việc tổ chúc nhiều sự kiện khác trên sông, giảm bớt những bề bộn của đô thị ở các khu trung tâm thành phố vốn đã quá tải.