Xung đột ở Gaza gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho người dân, đặc biệt là giới trẻ. Ảnh: Greek citytimes/Nhandan |
Với thực tế thanh niên chiếm 55% dân số ở phía nam và phía đông Địa Trung Hải, và là lực lượng đi đầu trong các phong trào phản đối việc tước quyền công dân hay thiếu các cơ hội kinh tế và việc làm, Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình Rosemary DiCarlo cho rằng tiếng nói của giới trẻ là “không thể bị bỏ qua”.
Tác động không cân xứng
Bất chấp khả năng phục hồi, những người trẻ tuổi phải đối mặt với những tác động không cân xứng từ các cuộc xung đột và khủng hoảng khí hậu.
Cuộc tấn công tàn bạo ngày 7/10 năm ngoái của Hamas nhằm vào Israel và cuộc chiến sau đó ở Gaza đã gây ra những thiệt hại nặng nề, nơi 70% dân số của vùng đất này dưới 30 tuổi. Hơn nữa, tất cả các trường học trên khắp Dải Gaza đều phải đóng cửa, ảnh hưởng đến hơn 625.000 học sinh.
Theo bà DiCarlo, những tổn thương, bạo lực và mất an ninh lương thực do những xung đột như vậy gây ra càng cho thấy nhu cầu cấp thiết về các nỗ lực xây dựng hòa bình ưu tiên sự tham gia của giới trẻ.
Song song đó, cuộc khủng hoảng khí hậu càng làm tăng thêm những thách thức mà thanh niên Địa Trung Hải phải đối mặt, đặc biệt là khi khu vực này đang nóng lên nhanh hơn khoảng 20% so với mức trung bình toàn cầu. Điều này càng nhấn mạnh tầm quan trọng của hành động vì khí hậu do thanh niên lãnh đạo, khi giới trẻ có thể tham gia rất tích cực vào các diễn đàn quốc tế như Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP).
Khai thác tiềm năng
Để khai thác tiềm năng của thanh niên như những tác nhân tích cực của sự thay đổi, giới chức cấp cao của LHQ cũng kêu gọi tăng cường đầu tư và hỗ trợ từ các tổ chức khu vực và đa phương.
“Đầu tư vào thanh niên là đầu tư vào hòa bình”, Phó Tổng thư ký LHQ DiCarlo nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an “tiếp tục ủng hộ chương trình nghị sự về thanh niên, hòa bình và an ninh, vốn rất quan trọng đối với khu vực Địa Trung Hải và cả những khu vực khác”.