Mặt trận TP. Huế tạo được sự đồng thuận, xây dựng mối đoàn kết trong Nhân dân |
Đồng lòng
Nhiệm kỳ 2019-2024, hoạt động của MTTQ được đổi mới với nhiều ý tưởng sáng tạo, cách làm mới, hình thức phù hợp, huy động tốt các nguồn lực trong Nhân dân, tạo mối quan hệ gắn kết với các tôn giáo, kết nối các lực lượng trong xã hội, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19,... thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy tốt quyền làm chủ của Nhân dân, khơi dậy, phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa Huế, tạo sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân, là động lực quan trọng vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của thành phố và các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.
Thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Huế, thực hiện tốt công tác vận động giúp đỡ người nghèo và các hoạt động an sinh xã hội, cứu trợ, nhân đạo, từ thiện. Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” đã vận động trên 8 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 208 ngôi nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ, giúp đỡ hơn 5.000 người nghèo, trẻ mồ côi, học sinh nghèo các trung tâm nuôi dưỡng người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. “Quỹ Cứu trợ” thành phố tiếp nhận được gần 5 tỷ đồng, đã chi hỗ trợ khẩn cấp các trường hợp bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, các sự cố bất ngờ...
Thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã tham mưu phát động phong trào “Chung tay chống dịch” trên toàn thành phố. Trong một thời gian ngắn, Mặt trận 36 phường xã đã vận động trên 50 tấn nguyên liệu và huy động trên 7.000 người chế biến. 200 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học, các tổ chức tôn giáo, các nhà hảo tâm và Nhân dân hưởng ứng trên 4 tỷ đồng. Mặt trận thành phố đã tiếp nhận, chuyển giao 36 tấn lương thực, thực phẩm đến Thành phố Hồ Chí Minh, huyện Bàu Bàng (Bình Dương); kịp thời động viên, giúp đỡ người dân thành phố Huế, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu và các địa phương khác vượt qua khó khăn do ảnh hưởng đại dịch hơn 750 triệu đồng và 11.000 “Túi an sinh”... Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”.
Kết quả của sức mạnh tổng hợp
Nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước được đổi mới nội dung, phương thức tổ chức, theo hướng thiết thực, hiệu quả, sát với thực tiễn, phục vụ lợi ích cộng đồng. Nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được cụ thể hóa, gắn với các chủ trương, nhiệm vụ quan trọng của tỉnh và thành phố và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Nghị quyết 05-NQ/TU, ngày 1/6/2021 của Thành ủy về “Tuyên truyền, giáo dục, phát huy giá trị đạo đức, lối sống và phong tục tập quán Huế đặc sắc gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo” gắn vói Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn thành phố Huế.
Đã có nhiều mô hình, điển hình đem lại hiệu quả thiết thực, khơi dậy tiềm năng, nguồn lực của cộng đồng dân cư, tăng cường sức mạnh đoàn kết, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quảng bá hình ảnh đẹp của vùng đất và con người xứ Huế.
Điển hình như: Mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” trên địa bàn 36 phường xã đã có 519 “Tuyến đường, tuyến kiệt sáng, sạch, đẹp, an toàn”; mô hình “Tổ chức hoạt động cộng đồng tại các đình làng” với mục đích góp phần giữ gìn, phát huy giá trị của đình làng gắn với hoạt động của cộng đồng dân cư; Mô hình “Điểm xanh văn hóa” có ý nghĩa “Huy động sức dân để chăm lo cho dân”, tăng cường các điểm xanh, điểm vui chơi, giải trí, tạo vẻ đẹp cảnh quan, giảm thiểu các điểm ô nhiễm môi trường, địa bàn phức tạp trong khu dân cư, đã xây dựng được 38 “Điểm xanh văn hóa” tại 24 phường xã, với tổng kinh phí hơn 11 tỷ đồng và hàng trăm ngày công được huy động từ sự đóng góp của cộng đồng dân cư; hiện có 5 điểm đang được xây dựng. Phong trào “Sắc hồng Cố đô” với trên 10.000 gốc hồng và hơn 3.000 cây hoa khác được trồng tại 150 thôn, tổ dân phố, 52 cơ quan, đơn vị, nhà sinh hoạt cộng đồng, 27 cơ sở tôn giáo, đình làng, 65 trường học, 6.000 hộ dân và hơn 20 điểm khác...
Kết quả của các phong trào do MTTQ thành phố khởi xướng đã thu hút sự vào cuộc của đông đảo đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Nội dung cụ thể, thiết thực của phong trào là cách làm sáng tạo để vận động, quy tụ lực lượng đưa chủ trương đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, thông qua sự đồng thuận, đoàn kết của cộng đồng dân cư, tạo sự chuyển biến ngay từ cơ sở. Vai trò vị trí Mặt trận ngày càng được khẳng định, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của Nhân dân, xây dựng thế trận lòng dân, phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, sức sáng tạo, xây dựng thành phố phát triển toàn diện và giàu bản sắc, góp phần tích cực xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.
Bằng những nội dung cụ thể, thiết thực của phong trào là cách làm sáng tạo để vận động, quy tụ lực lượng đưa chủ trương đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, thông qua sự đồng thuận, đoàn kết của cộng đồng dân cư, tạo sự chuyển biến ngay từ cơ sở.
Qua phong trào, khả năng tập hợp quần chúng của Mặt trận, đoàn thể ở nhiều địa phương được nâng lên; hình ảnh của đội ngũ cán bộ Mặt trận, đoàn thể ngày càng hiện diện rõ nét trong cuộc sống của người dân; khơi dậy tiềm năng, nguồn lực của cộng đồng, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quảng bá hình ảnh đẹp của vùng đất và con người xứ Huế.