Tháng Tư về, trong toàn tỉnh, hộ gia đình nào cũng treo cờ Tổ quốc để thể hiện sự tri ân các thế hệ đi trước |
“Năm 1971, chủ trương của chúng ta là phải “quậy” trong thành phố để thấy chỗ nào cũng có quân giải phóng hoạt động, chỗ nào cũng là đất của giải phóng. Tôi được phân công đánh vào cơ quan an ninh của địch tại TP. Huế. Các anh thường dạy tôi: Đối với nhiệm vụ người trinh sát vũ trang phải trung thành, mưu trí, kính yêu Nhân dân. Đối với địch phải luôn cảnh giác, kiên quyết, không để chúng lừa gạt, mua chuộc. Đó cũng chính là những gì mà dù địch bắt 4 lần, tôi vẫn giữ được tấm lòng trung thành. Rốt cuộc chúng buộc phải thả tôi ra vì không khai thác được gì. Tôi lại tiếp tục hoạt động cách mạng”, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Thị Lài, trú tại phường Xuân Phú (TP. Huế) kể.
Ngược dòng lịch sử, lật giở những trang tư liệu về những ngày đấu tranh giành độc lập của quân và dân Thừa Thiên Huế mới thấy rõ hơn về giá trị của sự độc lập: Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tổng Tư lệnh, quân và dân Trị Thiên Huế khẩn trương chuẩn bị các mặt công tác cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975. Ngày 28/2/1975, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức cuộc họp đánh giá, soát xét lại kết quả công tác chuẩn bị cho chiến dịch lần cuối cùng và tổ chức lực lượng ém quân về cơ sở sẵn sàng chờ lệnh xuất kích.
Ngày 5/3/1975, tiếng súng tiến công của quân và dân ta đồng loạt nổ ra trên khắp chiến trường Thừa Thiên Huế. Đến ngày 14/3/1975, toàn bộ quân địch ở Tây Nguyên bắt đầu rút chạy tán loạn. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã kịp thời chỉ đạo Mặt trận Trị Thiên Huế chớp lấy thời cơ này, nhanh chóng chuyển hướng tấn công, tiêu diệt toàn bộ quân địch không cho chúng rút chạy khỏi Trị Thiên Huế, giải phóng Huế và toàn bộ Trị Thiên.
5 giờ sáng ngày 21/3/1975, tiếng súng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta giải phóng Thừa Thiên Huế đồng loạt khai hỏa. Từ ba hướng: Bắc, Tây và Nam, các lực lượng vũ trang Quân khu Trị Thiên và Quân đoàn II đã liên tục tấn công, đập tan các tuyến phòng thủ của địch trên tuyến giáp ranh, cùng lực lượng vũ trang địa phương cắt đứt hoàn toàn đường số 1, chặn đứng đường rút chạy của địch vào Đà Nẵng.
“Hàng nghìn xe địch di tản từ Huế vào Đà Nẵng bị chặn đứng ở Phú Lộc phải quay trở lại trong hoảng loạn. Nhờ có sự chuẩn bị từ trước, nên khi bộ đội chủ lực tấn công địch vừa đến nơi thì lực lượng nổi dậy ở các địa phương cũng đã chủ động phối hợp làm chủ chiến trường, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực tấn công địch trên các hướng chủ đạo”, ông Hoàng Anh Đề, quê ở xã Vinh Giang (Phú Lộc), nguyên Huyện đội trưởng Huyện đội Phú Lộc nhớ lại.
Từng toán địch rút chạy tháo thân về cửa biển Thuận An, Tư Hiền. Một cảnh tượng vô cùng hỗn loạn. Do bị đánh bất ngờ, lại bị các lực lượng vũ trang địa phương cắt đứt hoàn toàn các tuyến đường, chặn đứng đường rút chạy của địch vào Đà Nẵng, nên chúng bị ta tiêu diệt, địch thiệt hại rất nặng nề.
Ngày 25/3/1975, các cánh quân của ta từ nhiều hướng tiến vào TP. Huế, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch. Sáng 26/3/1975, lá cờ cách mạng tung bay trên bầu trời Cố đô Huế, đánh dấu mốc lịch sử Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng.
Với thắng lợi oanh liệt đó, quân và dân Thừa Thiên Huế đã đập tan tấm lá chắn mạnh nhất của địch ở phía Bắc Quân khu I và Vùng I chiến thuật; giáng một đòn mạnh vào âm mưu co cụm chiến lược của địch ở ven biển miền Trung, đẩy quân Ngụy vào thế khốn đốn, suy sụp không gì cứu vãn nổi; tạo điều kiện và làm hậu phương vững chắc cho các đơn vị chủ lực tiến vào Đà Nẵng, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.
Những ngày tháng Tư này thật khó để kể hết những cảm xúc, niềm tự hào khi quê hương, đất nước được giải phóng. 49 năm qua, ai cũng hiểu rằng, có được thành quả như ngày hôm nay, chúng ta càng thấm thía biết bao vai trò lãnh đạo tài tình của Đảng trong việc kiên định mục tiêu giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; sự đóng góp xương máu và chiến công của đồng bào, cán bộ chiến sĩ và Nhân dân cả nước; quân và dân trong tỉnh đã làm nên một Thừa Thiên Huế anh hùng.
Tháng Tư về, trong toàn tỉnh, hộ gia đình nào cũng treo cờ Tổ quốc để thể hiện sự tri ân các thế hệ đi trước đã không tiếc máu xương, hy sinh thân mình để cho quê hương được giải phóng, Tổ quốc được thống nhất.
Thừa Thiên Huế đã và đang bước những bước đi vững chắc dưới sự lãnh, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh. Mục tiêu xuyên suốt hiện nay là, phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực cố gắng để đưa cả tỉnh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị; viết nên những trang sử mới trong công cuộc xây dựng một Thừa Thiên Huế giàu mạnh về kinh tế, đa dạng về văn hóa, ổn định về an ninh quốc phòng an ninh.