Toàn cảnh một phiên họp của hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc. Ảnh minh họa: TTXVN/Báo Tin tức |
Theo đó, với tư cách là chủ nhà của COP29 diễn ra vào tháng 11 tới, Azerbaijan sẽ giám sát các cuộc đàm phán giữa gần 200 quốc gia về cách huy động thêm tài chính để chống biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính đang làm nóng hành tinh.
Trước đó, phát biểu tại một hội nghị về khí hậu ở Berlin, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho biết: “Với tư cách là người đứng đầu một đất nước giàu nhiên liệu hóa thạch, tất nhiên, chúng tôi sẽ bảo vệ quyền của các quốc gia trong việc tiếp tục đầu tư và sản xuất. Nhưng đồng thời, các quốc gia sử dụng nhiên liệu hóa thạch vẫn nên nằm trong số các quốc gia thể hiện sự đoàn kết đối với các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu”.
Năm ngoái, hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP28) tổ chức tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã kết thúc với một thỏa thuận toàn cầu, trong đó kêu gọi “chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch” để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Được biết, đốt nhiên liệu hóa thạch để lấy năng lượng là nguồn phát thải nhà kính chính gây biến đổi khí hậu. Dữ liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy, lượng khí thải CO2 liên quan đến năng lượng toàn cầu đã tăng lên mức cao kỷ lục vào năm 2023.
Hiện vẫn còn phải xem các nước sẽ thực hiện thỏa thuận COP28 như thế nào trong vài năm tới. Trong đó, Azerbaijan sẽ xem xét tình hình địa chính trị hiện nay và tăng cường xuất khẩu để đạt mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ m3 khí đốt tự nhiên sang châu Âu vào năm 2027.
Đây được xem là hành động chứng minh tính trách nhiệm của Azerbaijan, vì phần lớn nước này đang đầu tư vào việc tăng sản lượng khí đốt, bởi châu Âu cần nhiều khí đốt hơn từ các nguồn mới.
Theo ghi nhận, các nước châu Âu đã đặt ra một số mục tiêu nghiêm ngặt nhất thế giới để cắt giảm khí thải vào năm 2030. Song đồng thời, các quốc gia này cũng đang phải chạy đua để đảm bảo nguồn cung khí đốt mới.