Một trang trại gia cầm ở Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong báo cáo mới nhất, Rabobank dự báo ngành gia cầm châu Á sẽ tăng trưởng đáng kể trong những năm tới. Dựa trên dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và nhiều nguồn địa phương, Rabobank ước tính 55% mức tăng trưởng của ngành gia cầm toàn cầu sẽ đến từ châu Á, trong đó Nam Á và Đông Nam Á được xem là những thị trường gia cầm đang phát triển nhanh chóng trên thế giới, với mức tăng trưởng dự kiến từ 4% - 5% hàng năm cho đến năm 2030.
Dự báo này đánh dấu sự phục hồi của ngành gia cầm trong khu vực sau giai đoạn tăng trưởng chậm từ năm 2020 đến năm 2023, mặc dù vẫn ở dưới mức được ghi nhận trong những năm 2010. Theo Rabobank, sự tăng trưởng này chủ yếu được thúc đẩy bởi triển vọng kinh tế mạnh mẽ của khu vực, quy mô dân số tằn và sự thay đổi trong sở thích đối với thịt gia cầm.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các quốc gia Đông Nam Á dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm từ nay đến năm 2028, điều này có thể đồng nghĩa với việc sức chi tiêu sẽ tăng thêm. Và với sự gia tăng trong chi tiêu, việc mua các sản phẩm protein động vật được kỳ vọng cũng sẽ tăng theo.
Bên cạnh đó, Nam Á và Đông Nam Á dự kiến sẽ chiếm khoảng 45% mức tăng dân số toàn cầu đến năm 2030. Điều này sẽ khiến nhu cầu đối với các sản phẩm gia cầm gia tăng.
Ngoài ra, báo cáo cho thấy người tiêu dùng châu Á có xu hướng chọn thịt gia cầm hoặc hải sản làm nguồn protein động vật. Hải sản hiện chiếm khoảng 50% tổng lượng tiêu thụ protein động vật, trong khi thịt gia cầm chiếm 25%. Tuy nhiên, người tiêu dùng đang ngày càng lựa chọn thịt gia cầm nhiều hơn. Họ đang chuyển sang dùng nhiều thịt gà hơn vì giá tốt, lợi ích sức khỏe, hương vị, sự tiện lợi và tính sẵn có. Đồng thời, những lo ngại từ dịch tả lợn châu Phi (ASF) cũng là một lý do khiến nhu cầu gia cầm ngày càng tăng.
Ngoài sự tăng trưởng về số lượng, nhiều cơ hội giá trị sẽ xuất hiện do sự gia tăng của mạng lưới và nền tảng phân phối hiện đại, bao gồm các dịch vụ thực phẩm đang mở rộng nhanh chóng, hệ thống bán thực phẩm trực tuyến và bán lẻ hiện đại. Điều này sẽ ngày càng tạo ra cơ hội cho các chiến lược gia tăng giá trị và xây dựng thương hiệu cho ngành chăn nuôi gia cầm của khu vực.
Theo đó, triển vọng tăng trưởng cả về khối lượng và giá trị sẽ khiến việc đầu tư vào ngành gia cầm ở Nam Á và Đông Nam Á trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư địa phương, khu vực và toàn cầu. Sự tăng trưởng như vậy sẽ đòi hỏi phải mở rộng và nâng cấp đáng kể chuỗi cung ứng gia cầm trong khu vực.
Ngành chăn nuôi gia cầm dự kiến sẽ có nhiều khác biệt vào năm 2030 khi nó ngày càng trở nên hiện đại, mang tính quốc tế và hội nhập. Sự sụt giảm dần doanh số bán hàng ở những thị trường truyền thống, cùng với sự phát triển của các kênh phân phối hiện đại, sẽ cho phép nhiều nhà sản xuất trong khu vực vươn lên, cạnh tranh những vị trí dẫn đầu và bắt đầu phát huy vai trò trên toàn khu vực, đầu tiên là ở Đông Nam Á và dần dần là ở Nam Á.