Xuất nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại trong tháng 4 sau đợt giảm hồi tháng 3/2024. Ảnh: Shutters Stock |
Theo phân tích của CNA, một loạt các biện pháp hỗ trợ chính sách trong vài tháng qua đang thu hút sự chú ý và giúp ổn định niềm tin mong manh của nhà đầu tư và người tiêu dùng.
Các lô hàng xuất khẩu từ Trung Quốc trong tháng 4 đã tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, sau khi giảm 7,5% trong tháng 3 - đợt giảm đầu tiên kể từ tháng 11/2023.
Nhập khẩu của nước này trong tháng 4 cũng tăng 8,4%, vượt qua mức tăng dự báo 4,8% và đảo ngược mức giảm 1,9% trong tháng 3.
Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cho biết: “Xuất khẩu là điểm sáng của nền kinh tế Trung Quốc từ đầu năm đến nay. Nhu cầu trong nước yếu dẫn đến áp lực giảm phát, làm tăng năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu của Trung Quốc”.
Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý I năm nay, mặc dù dữ liệu về xuất khẩu, lạm phát tiêu dùng, giá sản xuất và cho vay ngân hàng trong tháng 3 cho thấy đà tăng trưởng có thể chững lại. Cuộc khủng hoảng tài sản kéo dài cũng có ít dấu hiệu suy giảm, làm dấy lên lời kêu gọi cần có chính sách kích thích nhiều hơn.
Trong quý I, cả nhập khẩu và xuất khẩu đều tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước.
Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trên cơ sở một quốc gia, trong khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trên cơ sở khu vực.
Xuất khẩu của Trung Quốc sang ASEAN đã tăng 8% trong tháng 4 so với một năm trước, trong khi nhập khẩu tăng 5%.
Xuất khẩu của Trung Quốc sang EU giảm khoảng 3,5% trong khi nhập khẩu tăng gần 2,5%.
Một chuỗi dữ liệu kinh tế vượt dự báo trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 2 và cuộc khảo sát chủ sở hữu nhà máy trong tháng 3 cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã thành công vượt qua một số thách thức ban đầu, giúp giới chức nước này có thêm thời gian để nâng cao niềm tin mong manh của nhà đầu tư và khôi phục tăng trưởng.
Tuy nhiên, tổ chức xếp hạng Fitch đã hạ triển vọng xếp hạng tín dụng quốc gia của Trung Quốc từ mức “ổn định” xuống mức “tiêu cực” vào tháng trước, với lý do rủi ro đối với tài chính công khi tăng trưởng chậm lại và nợ chính phủ tăng.
Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng trước tuyên bố sẽ tăng cường hỗ trợ nền kinh tế bằng chính sách tiền tệ thận trọng và chính sách tài khóa chủ động, thông qua lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng.
Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm nay - điều mà nhiều nhà phân tích cho rằng sẽ là một thách thức nếu không có thêm nhiều biện pháp kích thích.
Các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã gặp khó khăn trong gần như cả năm ngoái khi lãi suất tăng cao đè nặng lên nhu cầu nước ngoài.
Theo nhiều nhà phân tích, các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang tiếp tục giảm giá để duy trì doanh số bán hàng ở nước ngoài, giữa bối cảnh nhu cầu trong nước yếu.
Dan Wang, nhà kinh tế trưởng tại Hang Seng Bank China, cho rằng sự dư thừa công suất ở nhiều ngành sẽ tiếp tục làm giảm giá xuất khẩu trong những tháng tới. Và khi ngày càng nhiều công ty Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài để tránh nguy cơ các lệnh trừng phạt từ Mỹ, nước này dự kiến sẽ xuất khẩu nhiều nguyên liệu đầu vào công nghiệp như hóa chất, vải, phụ tùng ô tô và máy móc xe điện.
Được biết, thặng dư thương mại của Trung Quốc đã tăng lên 72,35 tỷ USD trong tháng 4, so với 58,55 tỷ USD vào tháng 3.