Người dân lựa chọn các sản phẩm tiêu dùng trong một siêu thị ở Washington, D.C., Mỹ. Ảnh minh họa: THX/TTXVN |
Cụ thể, chỉ số hàng hóa giao ngay Bloomberg (Bloomberg Commodity Spot Index), trong đó theo dõi 24 hợp đồng năng lượng, kim loại và nông nghiệp đã ghi nhận mức tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2023.
Theo đó, giá nguyên liệu thô đã chứng kiến sự gia tăng trong năm nay, do sự kết hợp của tình trạng gián đoạn nguồn cung ở một số thị trường nhất định, căng thẳng địa chính trị gia tăng và nỗ lực kiểm soát lạm phát cao hơn trong thời gian dài hơn. Dầu thô, một trong những thành phần lớn nhất của chỉ số nói trên, phần lớn gia tăng từ nhu cầu mạnh mẽ và sự lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung ở khu vực Trung Đông, trong khi các kim loại quý như vàng và bạc đã thu hút sự quan tâm mới từ các nhà đầu tư ngại rủi ro. Bên cạnh đó, đồng cũng đang tăng lên.
Trước đó vào ngày 15/5 (giờ địa phương), chỉ số giá tiêu dùng tổng thể ở Mỹ đã tăng 0,3% so với tháng trước đó, và 3,4% so với một năm trước. Trong một báo cáo liên quan, Cục Thống kê lao động Mỹ cho biết, nhà ở và xăng dầu chiếm hơn 70% mức tăng.
“Nhìn chung, sự phục hồi của hàng hóa phản ánh môi trường kinh tế cuối chu kỳ, nơi nhu cầu vẫn mạnh mẽ nhưng sự hạn chế về nguồn cung là rõ ràng”, ông Sam Vogel, Giám đốc điều hành của hãng tư vấn giao dịch hàng hóa Cayler Capital nhận định. Đặc biệt về dầu mỏ, cố vấn giao dịch hàng hóa dự báo sự cân bằng giữa cung và cầu sẽ rất mạnh mẽ trong nửa cuối năm nay.
Tuy nhiên, chỉ số này vẫn ở dưới mức đỉnh được ghi nhận trong mùa hè thứ 3 của đại dịch toàn cầu, khi các gói chi tiêu kích thích quy mô lớn và tình trạng tắc nghẽn lan rộng trên khắp các chuỗi cung ứng đã đẩy giá lên cao.