Những người dân dùng máy, cuộn rơm ngoài đồng thành từng bó để dễ dàng vận chuyển. Ảnh: Đình Thắng |
Trong các công đoạn làm mùa, thì làm rơm có lẽ là công đoạn vất vả nhất. Bởi rơm cồng kềnh, vận chuyển đã khó lại phải thật khô. Muốn phơi khô, không bị mắc mưa giông vào những buổi chiều thì cả ngày ba mạ tôi phải đứng đảo, lật trở rơm giữa trưa nắng. Cực là vậy, mà khi xây rơm lại càng cực hơn, bởi cây rơm càng to, cao, vận chuyển càng khó. Người đứng dưới đôi rơm lên, người phía trên nhận, rồi rải vòng tròn đều quanh cái cột được dựng sẵn và dùng chân dậm cho rơm thật chắc để tạo thành cây rơm. Lúc này, bọn con nít chúng tôi cũng được việc khi thi nhau trèo lên giúp ba mạ dậm rơm. Nhà ai có được cây rơm to thì coi như “yên cái bụng” cho cả năm. Bởi ngoài làm thức ăn cho bò, trâu, rơm còn dùng để ủ ấm cho gia súc, gia cầm vào mùa đông. Vì thế mà cây rơm đối với người nông dân ở các vùng quê quý chẳng khác nào những hạt thóc trong bồ.
Không còn phải vất vả như ngày xưa, khi máy móc được trang bị, sử dụng trong quá trình sản xuất nông nghiệp, ngoài việc lúa được gặt bằng máy, thì hiện nay, rơm được tuốt ngay trên ruộng. Có những nơi rơm được máy cuộn thành từng cuộn gọn gàng để nông dân tiện vận chuyển hoặc có thể bán cho thương lái.
Cơ giới hóa giúp bà con nông dân có thể giải quyết tốt phụ phẩm nông nghiệp, hạn chế được tình trạng đốt đồng và có thêm thu nhập khi rơm được sử dụng để làm phân bón, làm nấm... Cũng thật đáng mừng, khi mô hình trồng nấm rơm ngày nay trên địa bàn tỉnh ngày càng được nhân rộng và đem lại hiệu quả cao cho người trồng nấm. Điều này cũng có nghĩa một nguồn lợi từ rơm được tận dụng triệt để.
Bởi vậy, là trước đây hay bây giờ thì sợi rơm sau mùa gặt vẫn là sợi rơm vàng, là sợi vàng đúng nghĩa của nghề làm nông. Bởi, ngoài việc sử dụng rơm trực tiếp như cho trâu bò ăn, giờ đây khi công nghệ phát triển, rơm càng đang đem lại cho bà con nông dân nhiều lợi ích phục vụ phát triển kinh tế, mang về nguồn thu nhập tốt hơn. Bà con nông dân không những có thêm giải pháp vừa tận dụng được phế phụ phẩm sau thu hoạch, vừa bảo vệ môi trường, cảnh quan nông thôn, lại có thêm nguồn thu kha khá...