Giao dịch bằng mã QR. Ảnh minh họa: Website QRIS Indonesia/TTXVN |
Tuy nhiên, trong một bài viết được đăng tải trên Tờ The Business Times ngày 21/5, ông Riccardo Puliti, Phó Chủ tịch Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, điều quan trọng là cần nhận ra mức độ mà khoảng cách kỹ thuật số đang khiến những người không được kết nối bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là phụ nữ, người dân nông thôn hoặc những người thuộc nhóm thu nhập thấp hơn.
Tính đến năm 2023, 1/3 dân số toàn cầu, tương đương 2,6 tỷ người vẫn ngoại tuyến. Ở châu Á - Thái Bình Dương, 96% dân số sống ở các khu vực có mạng băng thông rộng di động, nhưng gần một nửa chưa đăng ký dịch vụ Internet di động. Những rào cản chính bao gồm thiếu kỹ năng kỹ thuật số, khả năng chi trả của thiết bị và dữ liệu… Khoảng cách này đang kìm hãm sự tăng trưởng và hạn chế cơ hội. Trong khi 93% người dân ở các nước thu nhập cao sử dụng Internet vào năm 2023, thì chỉ có 27% người dân ở các nước thu nhập thấp là người dùng Internet.
“Thu hẹp khoảng cách này sẽ là một thắng lợi kinh tế tuyệt đối”, ông Riccardo Puliti nhận định. Đến năm 2030, số hóa có thể tăng thêm 1 nghìn tỷ USD vào GDP của các nước ASEAN. Xây dựng một hệ sinh thái kỹ thuật số mạnh mẽ thông qua đầu tư và mở rộng năng lực có thể đẩy nhanh kết quả này, thúc đẩy tiến độ phát triển và thu hẹp khoảng cách kết nối.
Theo đó, cách để thực hiện điều này là thúc đẩy tài chính bao trùm thông qua đầu tư vào các nền tảng thanh toán kỹ thuật số và chia sẻ dữ liệu. Tăng cường các dịch vụ ngân hàng và bảo hiểm, đồng thời trang bị cho lực lượng lao động những kỹ năng kỹ thuật số; cũng như tài trợ cho cơ sở hạ tầng mở, có thể tương tác và an toàn, cung cấp kết nối đáng tin cậy, phổ biến và giá cả phải chăng, cùng với an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân.