Các container hàng hóa được xếp tại một cảng biển ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 29, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin lưu ý: “Các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do cần là ưu tiên hàng đầu”.
Cũng theo ông Srettha Thavisin, quốc gia này có 15 hiệp định thương mại tự do với 19 quốc gia; bên cạnh đó, các cuộc đàm phán về 7 hiệp định thương mại tự do khác đang được tiến hành, bao gồm các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu (EU).
“Chúng ta ở khu vực châu Á cần tiếp tục hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương, với cốt lõi là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)”, ông Srettha Thavisin cho hay; đồng thời ca ngợi sự thành công của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đáng chú ý, đây là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới xét về quy mô kinh tế, trong đó quy tụ các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 6 đối tác đã có hiệp định thương mại tự do với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand.
Ngoài ra, ông Srettha Thavisin cũng lưu ý rằng, Thái Lan đã bày tỏ ý định gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), bao gồm hầu hết các nền kinh tế tiên tiến phương Tây. Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cho biết: “Chúng tôi quyết tâm xây dựng hệ sinh thái kinh doanh và nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu về đầu tư”.
Các lĩnh vực chuyển đổi xanh và số hóa cũng là những yếu tố then chốt đối với hợp tác khu vực. Cụ thể, Thái Lan đang tìm kiếm đầu tư nhiều hơn vào hydrogen xanh và công nghệ thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS), cũng như mở rộng thị trường tín dụng carbon.
Hội nghị Tương lai châu Á là một hội nghị quốc tế nơi các nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế và học thuật đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương đưa ra ý kiến một cách thẳng thắn và tự do về những vấn đề khu vực, cũng như vai trò của châu Á trên thế giới. Được tổ chức hàng năm bởi Nikkei kể từ năm 1995, đây được coi là một trong những hội nghị toàn cầu quan trọng nhất ở khu vực châu Á.