Hơn 2 năm trở lại đây, ngành dệt may có bước phát triển vượt bậc và đang trở thành một ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. Bên cạnh sự lớn mạnh của các DN: Dệt may Huế, May xuất khẩu Huế, Sợi Phú Bài... là sự xuất hiện của một loạt DN mới, gồm: Sợi Phú Thạnh, Sợi Phú Nam, Sợi Phú Việt, May Phú Hòa An, May Thiên An Phát và 3 DN có vốn đầu tư nước ngoài với qui mô khá: HBI (Mỹ), Scavi (Pháp), Dệt kim và may mặc Huế (Bungari)... Theo đó, các DN ngành dệt may đã có những đóng góp tích cực vào nền kinh tế xã hội của tỉnh. Hiện nay, các DN dệt may trên địa bàn tỉnh có qui mô trên 140 nghìn cọc sợi và hơn 100 chuyền may hoạt động 2-3 ca/ngày... Năm 2010, Dệt May Huế đã mở rộng thêm 10 chuyền may tại công ty và xây dựng 1 xưởng 16 chuyền tại cụm CN Hương Sơ. Ngoài việc tăng doanh thu, giá trị sản lượng công nghiệp, Dệt May Huế còn đóng góp vào giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trên 30 triệu USD, tăng gấp đôi so năm 2009. Theo đó, sản phẩm dệt may đã vươn lên trở thành một sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Năm qua, các DN dệt may đã tạo ra kim ngạch xuất khẩu trên 90 triệu USD, chiếm trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong những năm tới, giá trị sản lượng và kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng khi nhiều DA đầu tư mới được đưa vào hoạt động.

Phát triển nhanh chóng về số lượng và qui mô, ngành dệt may đã tạo ra một sự đảo chiều về cung cầu nguồn lao động tại địa phương. Hiện nay ngành dệt may đã tạo việc làm cho trên 12 ngàn lao động và sẽ thu hút thêm trên 5 ngàn lao động trong 2-3 năm tới. Năm qua, ngoài việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ tại Huế, Trung tâm Giới thiệu việc làm còn mở các phiên giao dịch việc làm tại nhiều huyện. Hành trình “việc tìm người” này đã tạo điều kiện cho trên 500 lao động tại các địa phương có việc làm... Tuy nhiên, thiếu lao động đang là mối lo của nhiều DN... Đây là vấn đề cần được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm. Bên cạnh nỗi lo về nguồn nhân lực, sự “phát triển nóng” của ngành dệt may cũng đặt ra những vấn đề đáng quan tâm. Một số DN băn khoăn, hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực dệt may theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Việc định hướng và qui hoạch phát triển chung cho ngành dệt may trên địa bàn sẽ tạo ra sức mạnh cho một ngành công nghiệp có nhiều tiềm năng của tỉnh; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhiều mặt cho nhà đầu tư và hạn chế những bất cập trong công tác quản lý... 
Hoàng Thành