“Yêu nhau không vì cái gì khác...”
“Chưa bao giờ em tự thấy chín chắn, có ý thức về sự tự do, tự chủ của tâm hồn mình, tình cảm mình như hiện nay. Chưa lúc nào biết mình muốn gì, nên làm gì như hiện nay. Không có một ràng buộc gì, dù trong tư tưởng, trong tình cảm. Tự nhiên và tự do như một người được giải phóng. Tự nhiên và tự do hơn cả thời thanh niên lúc mới lớn lên, bước chân vào đời (...) Em muốn anh đánh giá được điều đó. Và thấy hết giá trị của nó để chúng ta sống đầy đủ hạnh phúc của mình”. Đọc những dòng thư của bà Nguyễn Thị Nhất gửi cho người yêu - bác sĩ Nguyễn Khắc Viện khi cả hai đã không còn trẻ nữa, khi mà câu chuyện tình nghiệt ngã đằng đẵng của hai người đang đến hồi “kết cục hoàn hảo” mới thấy được giá trị của những “giấc yêu” đằm thắm, lãng mạn, nồng cháy và cả đớn đau của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện qua những bức tình thư. Nên nhớ lúc này ông đã ngoài 50, (bà cũng đã qua tuổi 40) thế mà “văn phong thư tình” hãy còn day dưa, đắm đuối và tươi trẻ lắm. Qua hơn 20 lá thư viết tay với đầy đủ những cung bậc tình yêu: những đợi chờ, nhớ mong “Đêm nay ôm bức ảnh ngủ. 23/9 sáng trăng ngồi bờ ruộng. Hôm qua 12/10, gần 20 ngày mới gặp lại, rồi lại đi mất... Đến ngày 11/11 lại gặp...”; những yêu thương tình tứ ân cần “thương cái chân, nhớ cái chân quá. Hôm ấy được đi lấy nước ngâm chân, băng bó, thoa bóp... về nhà mấy ngày liền vẫn không quên. Ngày nào rồi chân đau hay lành, anh vẫn bưng nước, rửa chân cho...”; Những lo lắng vụng về: “Còn ho. Sau này có khi nào nghe anh ho đừng lo nhé (...) Chỉ sợ những hôm ấy em mất ngủ thôi”... Bạn trẻ yêu nhau thời nay, trong mớ “ngôn ngữ mạng” lóc xóc, chát chúa, còn ai bút mực thư tình, và viết thư tình “kinh điển” như thế? Chuyện tình của hai người còn mắc míu với một nhân vật thứ ba cực kỳ nổi tiếng, triết gia Trần Đức Thảo, người thầy, người yêu, người chồng đầu tiên của bà Nhất cho nên đôi lần trong những trang thư bác sĩ Nguyễn Khắc Viện nhắc đến người bạn triết gia với tất cả sự quý trọng, áy náy nhưng đầy trách nhiệm cho dù ông không phải là “kẻ ngáng đường”, “tin rằng chúng mình làm không có gì trái, anh ấy sẽ hiểu, sẽ không oán trách...”. Người đọc còn thêm trân trọng tấm chân tình của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện khi biết rằng đến với nhau bà Nhất không thể sinh con cho ông do bệnh tật. Thế mà tình yêu vẫn tròn đầy, ông bà vẫn yêu, vẫn sống, công tác cùng nhau cho đến đầu bạc răng long. Như chính lời yêu thương ông viết: “Đừng suy nghĩ em ạ, cứ mặc lòng mình theo đà tự nhiên của nó thôi. Chúng mình yêu nhau không vì cái gì khác cả; gần nhau thấy sung sướng, xa nhau thấy thiếu, thấy khổ thôi...”.
Và những giấc mơ cuối đời
Nửa sau cuốn sách nói về 78 giấc mơ của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện trong thời gian 4 tháng cuối đời nằm liệt giường. Trong một số tác phẩm của mình ông từng đề cập và lý giải về mơ màng, giấc mộng, mơ mộng, vô thức, ẩn thức... Qua những hình tượng mơ mộng có thể hiểu chiều sâu, cái “thâm tâm” của con người. Có những giấc mơ trở thành tiên tri về một sự kiện, một thảm họa. Như giấc mơ đêm 21/1/1997 vào Huế làm đạo diễn cho thành phố tổ chức Festival “trong đó cảnh ngoạn mục nhất là cả trăm vua quan, tướng, lính (...) đi bộ một vòng quanh thành Ngọ Môn, áo quần đủ màu sắc, huy hoàng, lung linh...” mà chúng ta biết rằng hơn 4 năm sau, Festival Huế mới được tổ chức lần đầu tiên, và những chương trình kịch bản có vua quan, tướng lính, voi ngựa huy hoàng lung linh ấy thì sau đó nhiều kỳ nữa mới được quảng diễn! Cho dù biết những giấc mơ là siêu thực, là phi lý nhưng có ai trong đời không một lần thích lý giải, đối chiếu “thực và mơ”. Nói như nhà văn Nguyễn Khắc Phê, tác giả cuốn sách, nếu không phải là gợi ý cho một “đề tài mở” nhằm lý giải những giấc mơ, thì chí ít những giấc mơ cuối đời này cũng giúp ta hiểu thêm phần nào chiều sâu “cõi lòng” của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện.
Qua những lời bình giải hết sức chi tiết và cẩn trọng dưới mỗi lá thư, mỗi giấc mơ được ghi chép lại, với tất cả tình cảm yêu mến, gần gũi và kính trọng người anh của mình, nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã “bóc từng lớp lá ngoài lá trong” những ngọn ngành, những thời khắc, những nơi chốn, những góc khuất trong tâm tư tình cảm, chân dung của một nhà trí thức tài danh không hề thích thú những danh hiệu nào khác mà thiên hạ “đặt” cho, ngoài danh hiệu “bác sĩ”- bác sĩ Nguyễn Khắc Viện.
(*) “Nguyễn Khắc Viện yêu và mơ”, tác giả Nguyễn Khắc Phê sưu tập và bình giải, Nhà xuất bản Trẻ 2015.