Có thật là để “hỗ trợ” các hộ kinh doanh?!

Trước mấy hôm thì thấy nội dung: “Cho vay tiền nhanh, Alo có tiền, Zalo: 0898…”; Hôm nay thì thấy: “Anh Hoàng cho vay trả góp, hỗ trợ các hộ kinh doanh buôn bán, SĐT: 0347…”. Đọc qua thấy dễ tiếp cận nguồn tài chính quá thể. Người bình thường thì thôi, chứ người vì lí do gì đó đang quá bức bí thì rất dễ bị cám dỗ. Vậy là nhấc điện thoại, miễn có tiền đã, còn thì… hậu xét!

Đã có không biết bao nhiêu bài học xương máu cho cái sự vay nhanh, vay trả góp này rồi. Vay thì dễ thật đấy, nhưng đến khi trả thì không hề dễ. Bởi bản chất của những khoản vay này thường là lãi cao ngất ngưởng. Vay 1, trả thành 2-3 là chuyện thường. Càng để lâu, lãi đẻ càng khủng, khiến có người đôi lúc mất khả năng trả nợ. Cuối cùng là bị khủng bố, bị đe dọa, chứ đừng ở đấy mà hòng xù.

Tôi có người quen, đứa con ăn chơi sao đó “tự thị” đi vay “nhanh” như vậy. Đáo hạn không trả nổi nên “núp bèo”. Vậy là “giang hồ” tìm đến nhà bố mẹ của nó để bắt trả nợ. Vừa thương con, vừa xấu hổ, lại cả vừa sợ để càng lâu càng đẻ lãi, mẹ nó phải gồng mình vơ bèo vạt tép để xử lý. Nhưng xử xong vụ này, vài tuần sau lại đẻ thêm vụ khác. Đào đâu ra mà trả? Nhưng không trả thì chúng không chịu đi, may sao có “đường dây nóng” nên nhờ được công an phường đến giải vây. Nghe chuyện, tôi không thể hiểu nổi. Sao lại có kiểu cho vay, kiểu đòi nợ kỳ cục như vậy được. Người vay đã trên 18 tuổi, nghĩa là đã thành niên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Khi người ấy đến vay, các người có hỏi bố mẹ họ, có cam kết bảo lãnh bảo liếc gì không. Đến khi đòi nợ thì lại đến vây nhà, hăm dọa, khủng bố bố mẹ người ta là thế nào? Pháp luật nào cho phép?! Đó là vay để ăn chơi, còn có người vay để làm ăn, đã tra đời, có vợ/chồng, con cái đề huề rồi, lúc không trả được nợ, chủ nợ cũng tìm đến nhà bố mẹ con nợ để chơi trò khủng bố như vậy với 2 ông bà lão vô tội. Thế mới ngao ngán(!).

Cho vay nhanh, cho vay trả góp, không cần bảo lãnh, có căn cước công dân là có tiền… Những dạng ấy hầu hết đều là tín dụng đen, lãi chất ngất vượt quy định, vi phạm pháp luật Nhà nước. Chúng đã hoành hành, đã gây bao hệ lụy trong xã hội từ bắc chí nam, từ thành thị đến nông thôn. Vậy nhưng không hiểu sao chúng vẫn tồn tại, vẫn quảng cáo công khai như thế? Những tờ rơi rải trắng xóa mặt đường kia không chỉ xâm hại môi trường xanh sạch đẹp, mà còn là một loại rác trâng tráo, lì lợm và hết sức nguy hại mà cơ quan hữu trách cần phải lưu tâm để ra tay diệt trừ tận gốc rễ.

Bài, ảnh: Thượng Bích