Khách hàng giao dịch vàng tại SJC Huế |
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, cần có giải pháp khắc phục hiệu quả cả về trước mắt và lâu dài; bảo đảm công tác quản lý vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân, liên thông với các thị trường liên quan, tránh tình trạng lợi dụng tình hình để buôn lậu, đầu cơ, thao túng thị trường, kinh doanh vàng trái quy định của pháp luật để trục lợi.
Đến nay, NHNN không dưới 5 phiên đấu thầu vàng, trong đó có vài phiên thành công. Tuy nhiên, sự nỗ lực vẫn không thể ghìm cương được giá vàng. Bất chấp các yêu cầu được đưa ra từ cơ quan quản lý, giá vàng dường như vẫn tăng phi mã.
Ngày 22/5, giá vàng SJC và giá vàng DOJI niêm yết (mua vào và bán ra) khoảng gần 90-91 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá mua và giá bán vàng tại các cửa hàng thuộc thương hiệu Rồng Vàng, Duy Mong, Bòn… khoảng 75 triệu đồng/lượng. Thực tế, giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới khoảng gần 15 triệu đồng/lượng. Như vậy, từ khi tái khởi động hoạt động đấu thầu vàng miếng sau hơn 10 năm tạm dừng, giá vàng càng ngày càng tăng. Nghịch lý là sàn đấu thầu, giá vàng càng cao.
Theo các chuyên gia kinh tế và các đại biểu Quốc hội đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế, giải pháp căn cơ cho các vấn đề của thị trường vàng vẫn là sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP với quy định độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, độc quyền nhập khẩu nguyên liệu vàng của NHNN, cần sớm trả vàng về cho thị trường vận hành.
Theo đó, NHNN cần tổ chức nhiều phiên đấu thầu và những phiên đấu thầu đó phải có một lượng vàng lớn để đổ vào thị trường, đồng thời phải có nhiều nhà kinh doanh vàng tham gia đấu thầu và trúng thầu thay vì số lượng khiêm tốn như vừa qua. Mặt khác, Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cũng cần được sửa đổi, tạo sự công bằng cho tất cả các sản phẩm vàng trên thị trường.
Bởi đấu thầu vàng là tăng cung để liên thông dần giá vàng trong nước và quốc tế, khi NHNN đưa mức giá khởi điểm mời thầu cao và doanh nghiệp đặt thầu với giá cao, đồng nghĩa với việc NHNN đang vô hình trung thừa nhận mức chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế sẵn có. Mục đích của đấu thầu vàng chưa đạt kỳ vọng. Chưa kể doanh nghiệp khi đã trúng thầu vàng với giá cao thì sẽ bán ra với giá cao để doanh nghiệp có lợi nhuận. Dự báo, giá vàng trong nước thời gian tới sẽ khó hạ nhiệt và còn “nhảy múa”.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng: Giải pháp đấu thầu vàng miếng như hiện nay không phải là biện pháp hữu hiệu để tăng nguồn cung và giải quyết bài toán chênh lệch về giá vàng trong và ngoài nước. Giải pháp tăng nguồn cung là cho phép doanh nghiệp vàng được xuất, nhập khẩu vàng và Nhà nước chỉ nên kiểm soát bằng thuế. Nếu cho phép nhập khẩu vàng, ngay lập tức giá vàng trong nước và thế giới sẽ liên thông.
Cũng theo vị chuyên gia này, không cần lo lắng việc nhập khẩu vàng ảnh hưởng đến tỷ giá. Bởi lâu nay không cho phép nhập khẩu vàng thì ngoại tệ vẫn chảy vào vàng qua đường nhập lậu. Chênh lệch giá vàng càng cao thực tế càng khuyến khích nhập lậu vàng. Việc cho phép xuất, nhập khẩu vào chính thức sẽ khuyến khích được xuất khẩu vàng nữ trang, giúp thị trường cân bằng được ngoại tệ.
Trong Thông báo kết luận tại văn bản số 213/TB-VPCP vừa ban hành, Chính phủ yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với thị trường vàng theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất và kinh doanh vàng miếng, nhất là các hành vi vi phạm pháp luật, buôn lậu, thẩm lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá, cạnh tranh không đúng quy định… Đối với trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, kịp thời chuyển hồ sơ đến Bộ Công an và các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.
Từ ngày 29/5, NHNN dừng đấu thầu vàng và giao 4 ngân hàng thương mại nhà nước (BIDV, Agribank, Vietcombank, Vietinbank) sẽ bán vàng trực tiếp cho dân từ ngày 3/6.