Bà Tôn Nữ Thị Hà đang dạy nấu ăn cho một người nước ngoài. Ảnh: phapluattp.vn

Từ Thực phổ bách niên của bà Trương Đăng Thị Bích (con dâu của hoàng tộc Tùng Thiện Vương Miên Thẩm), những món ăn trong gia đình được phổ biến cho chị em khắp mọi miền qua “công thức” dễ hiểu, dễ nhớ bằng thơ thất ngôn tứ tuyệt. Với suy nghĩ đơn giản là giúp con cháu chuyện bếp núc tề gia để không bị chê cười, thế nên trong lời đề tựa cho tác phẩm của con dâu, bà Tùng Thiện Vương đã viết: Bắt chước bà gia thuở dọn xơi/ Làm thành thực phổ dạy cho người/ Dâu con cháu chắt coi mà học/ Một miếng ăn ngon tiếng để đời. Ấy vậy mà gần một thế kỷ sau, những món ăn từ bếp nhà được lớp hậu duệ xưa kia đưa ra thế giới để bạn bè năm châu biết đến một nền văn hóa ẩm thực đặc sắc của vùng đất Cố đô. Có thể kể đến những cái tên như Hoàng Thị Như Huy, Hồ Thị Hoàng Anh, Tôn Nữ Thị Hà... Không chỉ làm no lòng thực khách quốc tế bằng những món ăn đậm đà hương vị, hấp dẫn màu sắc, các bà, các chị còn khiến họ khâm phục bởi vốn văn hóa ẩm thực dày dặn được hun đúc qua bao thăng trầm lịch sử. Người nước ngoài dần thay đổi cách nhìn, thái độ ứng xử với con người Huế nói riêng và người Việt Nam nói chung nhờ chiếc cầu nối ẩm thực. Đài truyền hình, báo chí các nước đã ngợi ca họ như những sứ giả văn hóa thực thụ với những tước phong, danh hiệu khác nhau. Bà Như Huy được Viện Hàn lâm Ẩm thực Pháp trao bằng “Thành viên danh dự của Viện Hàn lâm ẩm thực Pháp”; chị Hoàng Anh được báo Outest France mệnh danh là “tác giả của bữa tiệc vương giả; bà Tôn Nữ Hà được phong là “Người thầy của đầu bếp nghệ thuật”... Những cái tên ấy đã gợi lại ấn tượng đẹp trong lòng bạn bè bốn phương và ghi danh một Huế - Việt Nam lên bản đồ văn hóa ẩm thực thế giới.

Không ngoa khi một nhà nghiên cứu đã nói rằng: Ẩm thực Huế là một di sản văn hóa vật chất được đưa lên ngang tầm thế giới nhờ tấm lòng và những đôi tay vàng của người phụ nữ Huế. Festival nghề truyền thống 2011, một lần nữa, ẩm thực Huế sẽ làm hài lòng du khách, bạn bè khi ghé chân đến xứ Thần kinh.
L.Tuệ