Các đại biểu tham gia hội thảo ngày 5/6 tại TP. Huế |
Theo WWF, khu vực Trung Trường Sơn là một bể chứa các-bon tự nhiên và nổi tiếng với độ đa dạng sinh học giàu có và độc đáo. Độ che phủ rừng trong khu vực là từ 47- 68%, với hơn 2,3 triệu ha rừng tự nhiên. Đây là ngôi nhà của nhiều loài động vật đặc hữu và quý hiếm, bao gồm Sao la, Mang lớn, Mang Trường Sơn...
Hội thảo đã giới thiệu về sáng kiến “Chương trình khởi tạo các giải pháp dựa vào thiên nhiên (NbS) và phương thức tiếp cận của WWF toàn cầu và ở Trung Trương Sơn (Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam); những chia sẻ kinh nghiệm của hội thảo quốc gia “Huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận tự nhiên tại vùng đồng bằng sông Cửu Long; Chiến lược phát triển Trung Trường Sơn của WWF với các giải pháp dựa vào tự nhiên… Qua đây để trưng cầu ý kiến từ các cơ quan, đơn vị liên quan để đóng góp cho Chiến lược phát triển Trung Trường Sơn theo các giải pháp thuận tự nhiên trong 10 năm đến (2025-2035) không ngoài mục đích bảo vệ, phục hồi và tăng cường quản lý rừng…
Đại diện các đơn vị tham gia ý kiến tại hội thảo |
Đại diện WWF-Việt Nam, ông Thibault Ledecq, Giám đốc Bảo tồn cho rằng, hội thảo là cơ hội tốt để các bên trao đổi và xây dựng những bước đi vững chắc cho NbS (giải pháp dựa vào thiên nhiên), một nền tảng cần thiết cho sự phát triển bền vững của cảnh quan Trung Trường Sơn trong tương lai. WWF sẽ hợp tác với các bên liên quan để phát triển các mô hình NbS phù hợp và toàn diện không chỉ cho ngành lâm nghiệp mà còn tiếp tục nghiên cứu tiềm năng ở các khu vực ven biển, đầm phá và vùng đất ngập nước; đồng thời huy động các nguồn lực tài chính để thực hiện chương trình NbS hiệu quả trên quy mô lớn.