Đại biểu Nguyễn Hải Nam nêu ý kiến tại buổi thảo luận về chính sách, cơ chế đặc thù dành cho thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh cung cấp 

Theo dự thảo nghị quyết, có 21 chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng được đề xuất thực hiện thí điểm. Trong đó, có 6 chính sách hoàn toàn tương tự các tỉnh, thành phố đã được Quốc hội cho phép thực hiện, 10 chính sách tương tự có điều chỉnh, bổ sung và 5 chính sách đề xuất mới.

Đối với các chính sách đề xuất mới theo thực tế của thành phố, đáng lưu ý là chính sách thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng.

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Hải Nam thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá cao dự thảo nghị nghị quyết với cơ sở pháp lý rất đầy đủ. 

Ông Nam cho rằng, quy mô kinh tế của Đà Nẵng đã được mở rộng, tuy nhiên cần khơi gợi dư địa để phát huy các tiềm năng. Trong đó, cần đầu tư phát triển cảng biển, du lịch, thương mại, logistics, công nghệ cao…

Đại biểu Nguyễn Hải Nam cũng ủng hộ 3 nhóm chính sách của Đà Nẵng về mô hình chính quyền đô thị, thành lập thí điểm khu thương mại tự do và phát triển công nghiệp bán dẫn; đồng thời mong muốn Đà Nẵng có những chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư hơn nữa về cơ sở hạ tầng để đón nhận các dự án lớn về công nghiệp công nghệ cao.

Trước đó, liên quan đến Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội gồm 14 chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu cơ bản tán thành các chính sách dành cho Nghệ An.

Cùng với các lý giải, phân tích chính đáng về khơi thông nguồn lực, phân cấp thẩm quyền cho địa phương, bà Sửu mong muốn làm rõ thêm về yếu tố đặc thù của tỉnh Nghệ An, đặc biệt cần có cơ chế, chính sách phát triển đồng bộ, toàn diện, mạnh mẽ nền kinh tế - xã hội tỉnh, trong đó trọng tâm là miền Tây Nghệ An.

Riêng đối với chính sách sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế, bà Sửu ủng hộ việc thông qua chính sách này đối với tỉnh Nghệ An. “Để bảo đảm chặt chẽ, minh bạch, tôi đề nghị nghiên cứu bổ sung nguyên tắc sử dụng kinh phí từ Quỹ bảo vệ và phát triển rừng vào khoản 2 Điều 5 của dự thảo nghị quyết như sau: “Việc sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế bằng biện pháp lâm sinh khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải đảm bảo nguyên tắc bằng với diện tích rừng thay thế theo quy định của Luật Lâm nghiệp. Số kinh phí còn lại được bố trí để thực hiện phát triển cây giống, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng””, bà Sửu nêu ý kiến.

Trong ngày 7/6, Quốc hội cũng thảo luận ở hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022 (trong đó có việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 91/2023/QH15 về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021 và Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước); thảo luận tại hội trường về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

NGỌC NHI