Tiêu hủy gà nhiễm cúm gia cầm tại Mexico. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Bà Aspen Hammond, cán bộ kỹ thuật thuộc Chương trình cúm toàn cầu của WHO lưu ý, cho đến nay không phát hiện ca nhiễm nào khác liên quan đến trường hợp nói trên. “Việc xác định đặc tính của loại virus này vẫn đang được tiến hành và dữ liệu giải trình tự gen sẽ sớm được cung cấp”, bà Aspen Hammond nói trong một hội thảo trực tuyến.
Trong một tuyên bố, WHO thông tin, bệnh nhân 59 tuổi qua đời sau khi bị sốt, khó thở, tiêu chảy và buồn nôn, “không có tiền sử tiếp xúc với gia cầm hoặc các động vật khác” và “có nhiều tình trạng bệnh lý nền”. Bệnh nhân sống ở tiểu bang Mexico, đã nhập viện vào ngày 24/4 và qua đời cùng ngày, tuyên bố cho biết thêm.
Theo cơ quan y tế của Liên hợp quốc, đây là “trường hợp người đầu tiên được phòng thí nghiệm xác nhận nhiễm virus cúm A (H5N2) và được báo cáo trên toàn cầu”.
Nguy cơ “thấp”
Trong một tuyên bố liên quan, Bộ Y tế Mexico cho hay, bệnh nhân có “tiền sử bệnh thận mãn tính, tiểu đường loại 2 và tăng huyết áp hệ thống”. Không có nguy cơ lây lan cho người dân, và tất cả các mẫu xét nghiệm từ những người tiếp xúc được xác định đều cho kết quả âm tính.
Đáng chú ý, các nhà chức trách đang giám sát những trang trại gần nhà của bệnh nhân, và đã thiết lập một hệ thống giám sát thường trực nhằm phát hiện các trường hợp lây nhiễm khác trong động vật hoang dã tại khu vực này. Trước đó vào ngày 23/5, các cơ quan y tế của Mexico đã báo cáo trường hợp được xác nhận cho WHO sau khi tiến hành các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.
WHO cho hay, hiện chưa xác định được nguồn phơi nhiễm với virus này, mặc dù các trường hợp nhiễm H5N2 đã được báo cáo ở gia cầm tại Mexico. Dựa trên thông tin có sẵn, rủi ro đối với dân số nói chung ở mức “thấp”.
Được biết, một biến thể khác của cúm gia cầm, H5N1, đã lây lan trong nhiều tuần ở các đàn bò sữa tại Mỹ, với một số ít trường hợp được báo cáo ở người. Nhưng không có trường hợp nào trong số này lây truyền từ người sang người; thay vào đó, bệnh lây từ gia súc sang người.
Không có vaccine đặc hiệu để ngăn ngừa nhiễm virus cúm gia cầm. Tuy nhiên, các loại vaccine tiềm năng đã được phát triển như một phần của công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch.
Bên cạnh đó, WHO đã ký kết thỏa thuận với 15 nhà sản xuất vaccine để tiếp cận theo thời gian thực khoảng 10% sản lượng vaccine trong tương lai trong trường hợp xảy ra đại dịch cúm gia cầm. Liều lượng sẽ được phân phối đến các quốc gia dựa trên nhu cầu và rủi ro về sức khỏe cộng đồng.
(Lược dịch từ AFP)