Hiện có đến 3,3 tỷ người đang cư trú tại các quốc gia nơi mà số tiền lãi phải trả vượt quá chi tiêu cho giáo dục hoặc y tế. Ảnh minh họa: Getty Image

Báo cáo cho thấy nợ công - bao gồm các khoản vay của chính phủ cả ở trong nước và nước ngoài, đang gia tăng lên mức cao nhất lịch sử là 97.000 tỷ USD vào năm 2023, tăng đáng kể so với một năm trước đó.

Đặc biệt ở châu Phi, nền kinh tế suy thoái sau nhiều cuộc khủng hoảng toàn cầu đã dẫn đến gánh nặng nợ ngày càng nghiêm trọng hơn. Trong vòng 10 năm từ 2013 đến 2023, số quốc gia châu Phi có tỷ lệ nợ/GDP trên 60% đã tăng từ 6 quốc gia lên 27 quốc gia.

Trong khi đó, việc trả nợ ngày càng tốn kém hơn và điều này đang tác động không nhỏ đến các nước đang phát triển. Dữ liệu cho thấy, năm 2023, các quốc gia đang phát triển phải trả 847 tỷ USD tiền lãi ròng, tăng 26% so với năm 2021.

Theo báo cáo, sự gia tăng nhanh chóng của chi phí lãi vay đang hạn chế ngân sách của các nước đang phát triển. Hiện tại, một nửa trong số các nước này phải dành tối thiểu 8% doanh thu của chính phủ để trả nợ. Con số này đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua.

Hơn nữa, vào năm 2023, có đến 54 quốc gia đang phát triển - trong đó gần một nửa ở châu Phi, đã phải dành tối thiểu 10% quỹ chính phủ để trả chi phí nợ vay. Báo cáo cũng cho biết, hiện có đến 3,3 tỷ người đang cư trú tại các quốc gia nơi mà số tiền lãi phải trả vượt quá chi tiêu cho giáo dục hoặc y tế.

Giữa bối cảnh đó, LHQ kêu gọi hành động để tài trợ cho sự phát triển bền vững, bảo vệ một tương lai thịnh vượng cho cả người dân và hành tinh. Theo đó, báo cáo của LHQ đề xuất kế hoạch cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu và thúc đẩy gói kích thích Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của LHQ để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ hiện nay.

Những điều này đòi hỏi các nỗ lực để cải thiện sự tham gia hiệu quả của các nước đang phát triển vào việc quản trị hệ thống tài chính toàn cầu. LHQ cũng cho rằng, cần giải quyết chi phí nợ ngày càng tăng và nguy cơ khủng hoảng nợ thông qua cơ chế xử lý nợ hiệu quả. Đồng thời, nên mở rộng nguồn tài chính dự phòng để cung cấp tính thanh khoản cao hơn trong thời kỳ khủng hoảng, để các quốc gia không bị buộc phải mắc nợ như một phương sách cuối cùng. Một khuyến nghị quan trọng nữa là, cần nỗ lực để tăng nguồn tài chính dài hạn quy mô lớn và giá cả phải chăng bằng cách huy động các ngân hàng phát triển đa phương và từ các nguồn lực tư nhân.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ NEXTIAS)