Tiết mục "Bạc Liêu khúc hát nghĩa tình". |
Tôi là một người trẻ, yêu thích các giai điệu mới nhưng cũng “nặng lòng” với âm nhạc truyền thống dân tộc. Tôi thích nghe các tiết mục cải lương, ca cổ trên sóng truyền hình nhưng được thưởng thức trực tiếp vẫn là điều tuyệt vời nhất. Các nghệ sĩ với chất giọng mượt mà, sâu lắng, đậm chất Nam Bộ, như gửi gắm cả tâm tình xứ sở. Ngoại hình, biểu cảm của họ vẫn luôn có nét đặc trưng và phù hợp với tinh thần ca khúc.
Khá đông khán giả là các bạn trẻ, thậm chí là các em thiếu nhi nhỏ tuổi. Tôi mừng vì thế hệ trẻ đang mở lòng với âm nhạc truyền thống dân tộc. Ca cổ, cải lương có thể khó cảm ngay lúc đầu nhưng khi đã “thấm”, khán giả sẽ nảy nở một thứ tình cảm đặc biệt, chung thủy với loại hình âm nhạc này.
Tuần lễ Festival Huế 2024 là lần thứ hai các nghệ sĩ nhà hát Cao Văn Lầu đến với Huế,mang theo những tiết mục đặc sắc, được đầu tư, dàn dựng kỹ lưỡng, như “Dạ cổ hoài lang”, “Bạc Liêu khúc hát nghĩa tình”, “Bạc Liêu rực sáng trời tương lai”, “Tiếng đờn kìm”, tân cổ “Ai ra xứ Huế”, trích đoạn “Kẻ sĩ Thăng Long”, ca cổ “Đêm Huế”, “Tình anh bán chiếu”, trích đoạn cải lương “Một thời để nhớ”. Hai đêm nhạc để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, tốt đẹp trong lòng du khách và khán giả Cố đô.
Thoải mái như xem ở làng |
Cao Văn Lầu chính là tên của cố nhạc sĩ sáng tác nên bản “Dạ cổ hoài lang” nổi tiếng. Nhà hát Cao Văn Lầu được thành lập vào tháng 2/2017 trên cơ sở sát nhập Đoàn cải lương Cao Văn Lầu và Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Khmer. Nhà hát nổi tiếng với thiết kế rất độc đáo, lạ mắt và một tên gọi thân thương khác là “Nhà hát ba nón lá”, vinh dự được độc giả Sài Gòn Tiếp thị bình chọn là “Top 7 công trình kiến trúc độc đáo” trong khuôn khổ chương trình “Top 7 Ấn tượng Việt Nam 2022”.
Nhà hát còn là địa điểm thu hút khách du lịch khi đến với thành phố Bạc Liêu xinh đẹp, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần của người dân vùng đất Nam Bộ. Ba chiếc nón lá biểu trưng cho thế “vững như kiềng ba chân”, sự đoàn kết của cộng đồng ba dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa và còn là biểu trưng cho nét đẹp duyên dáng của người phụ nữ Nam Bộ.
Với Nhà hát Cao Văn Lầu, có thể thấy, những loại hình văn hóa truyền thống dân tộc, đặc biệt là âm nhạc gắn với văn hóa, sinh hoạt, đời sống tinh thần của người dân một miền đất luôn có sức sống thật bền bỉ, mạnh mẽ.