Một thời, phải là cán bộ cao cấp hoặc đại gia lắm bạc mới có thể đi lại bằng máy bay. Còn bây giờ, di chuyển bằng đường hàng không dần dà trở nên phổ biến. Cán bộ to hay nhỏ, người dân sang hay hèn đều có thể bay tuốt. Chỉ cần lên trước kế hoạch, rồi chịu khó săn, thế nào cũng có vé giá rẻ.

Một chuyến bay của Việt Nam Airline vừa đáp xuống sân bay Phú Bài.
Đi máy bay, tất nhiên phải khác đi đường bộ hoặc đường sắt. An ninh chặt chẽ, hành lý cân lượng rõ ràng, và giờ giấc thì cực kỳ chính xác. Đến giờ là máy bay cất cánh, không đợi chờ lôi thôi; càng không có màn tàu bay lăn bánh rồi còn chạy theo ngoắt bảo chờ như thói quen đi xe đò một thuở.
Từ chỗ khách hàng hạn hữu, đến chỗ người người chen chân đi máy bay, đó là thắng lợi, là cơ hội. Lẽ thường tình, người kinh doanh phải nắm lấy, chăm sóc, trân trọng khách hàng của mình để còn làm ăn, còn phát triển lâu dài. Nhưng với ngành hàng không, có cảm giác không phải vậy. Đi máy bay từ chỗ sang trọng chuyển sang đôi khi cũng... tầm thường, cũng xô bồ không khác những phương tiện khác là mấy. Như cái chuyện bị mất cắp hành lý, cứ diễn ra âm ỉ và thành hệ thống, buộc báo chí phải “la làng”, cơ quan chức năng phải nhập cuộc. Rồi trễ chuyến, hủy chuyến cũng đã không còn là chuyện hiếm, đến mức cầm vé rồi, sắp đến ngày đi rồi nhưng ai cũng nơm nớp lo bị “đì- lây” (delay). Thế nên, dù đi máy bay, nhưng để khỏi lỡ việc, không ít người phải lo đi trước nửa buổi, thậm chí cả ngày.
Cách đây mấy bữa, đi Hà Nội, vé đề bay lúc 15h hơn, cuối cùng đến 18h mới cất cánh. Ông bạn tôi nhận tin nhắn trễ, chạy về sân bay ngồi...ngáp. Chán quá, lại trở lên Huế tranh thủ công việc, gần giờ và phải check lại lần nữa mới dám về sân bay. Vòng vô cũng vậy, trễ hơn tiếng đồng hồ. Điều rất lạ là “nhà tàu bay” quy định nếu hành khách muốn đổi chuyến, đổi giờ bay thì phải trả thêm phí (vé giá rẻ thì xin...quên chuyện này); nhưng ngược lại, tàu bay trễ chuyến thì không thấy nói năng chi ngoài lời xin lỗi (cái này thì không tốn kém chi, dễ mà), cùng lắm thì mời... thêm chai nước. Đây là mối quan hệ làm ăn giữa một bên bán, một bên mua, ứng xử vậy là không sòng phẳng tẹo nào.
Làm thủ tục “check in”, cô nhân viên xem xem, gõ gõ trên vi tính và chẳng buồn ngẩng lên, hỏi:
-Chú mua vé hạng thương gia à?
- Đứa cháu mua, mình có buôn bán gì đâu mà thương gia nhỉ?- Trễ chuyến, chờ mãi quá oải, ông bạn tôi vốn tính cà tửng, định pha trò chút cho nó đỡ buồn. Chứ máy bay máy bò, anh đâu có lạ lùng gì.
- Ơ, cái ông này. Thương gia là người ta bảo thế. Đó là hạng vé sang trọng, chứ đâu cứ thương gia là phải buôn bán. Vơ..ớ..ơ... vẩn!
Nhìn cô bé chỉ đáng tuổi em, tuổi cháu của mình cong cớn. Bạn tôi lắc đầu. Thôi, bay cho khuất mắt!
Ngày càng có nhiều hãng hàng không tham gia. Bộ trưởng Giao thông vận tải cũng đang “la rầy” hết sức quyết liệt. Hy vọng một ngày gần đây, càng bay càng thoải mái, càng văn minh, càng an toàn...
Huy Khánh