Mô hình nuôi trồng kết hợp của anh Trần Văn Đợi, (Nam Đông) mang lại hiệu quả kinh tế cao |
Đến thăm mô hình trồng trọt, chăn nuôi kết hợp của gia đình anh Trần Văn Đợi, dân tộc Cơ Tu, thôn A Giai, xã Thượng Long, huyện Nam Đông, anh Đợi cho biết, ngoài 40 triệu đồng được Hội Nông dân huyện hỗ trợ, gia đình anh được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Đông cho vay 100 triệu đồng từ chương trình vay vốn giải quyết việc làm. Với lợi thế đất vườn rộng rãi, anh Đợi đầu tư trồng 1ha bưởi da xanh với hơn 90 gốc. Sau 6 năm trồng và chăm sóc theo đúng kỹ thuật, cây bưởi da xanh phát triển nhanh, đồng đều, kháng bệnh tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương. Từ đó, anh Đợi mạnh dạn mua thêm 3 con bò giống và hơn 100 con gà để nuôi lấy thịt. Ngoài ra, anh còn trồng thêm 2ha keo và cao su đang trong giai đoạn thu hoạch. Hiện nay, lợi nhuận trung bình từ mô hình nuôi trồng kết hợp đạt gần 100 triệu đồng/năm.
Tại huyện vùng cao A Lưới, hiện nay, ngoài các trang trại, gia trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt cho thu nhập mỗi năm từ 300 đến 500 triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng, còn có 50 vườn mẫu của 50 hộ dân được quy hoạch hợp lý, có tính thẩm mỹ cao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng các loại cây ăn quả. Sản phẩm của các vườn mẫu là những cây trồng, vật nuôi có giá trị, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương và nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.
Ông Văn Lập, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện A Lưới cho biết, ngoài cơ chế của Nhà nước, của tỉnh, địa phương cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, động viên người dân phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, gia trại: “Theo Nghị quyết 20, 30 của HĐND tỉnh thì bà con làm kinh tế vườn ứng dụng công nghệ cao sẽ được hỗ trợ 50% tổng kinh phí sau đầu tư. Áp dụng chính sách đó, cùng với chính sách khuyến khích của huyện thì A Lưới đã phát huy hiệu quả. Nhiều hộ đã xây dựng thành công những vườn mẫu có giá trị kinh tế cao. Cũng nhờ có chính sách khuyến khích mà người dân có vốn để đầu tư thâm canh, ngày càng mở rộng quy mô sản xuất”.
Những năm gần đây, hai huyện miền núi A Lưới và Nam Đông ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Việc hỗ trợ được lồng ghép từ các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn... Cùng với việc xây dựng mô hình trang trại tập trung, các địa phương vận động bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị trên cùng 1 diện tích đất.
Ông Mai Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Đông cho biết, huyện đã xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó, có kế hoạch cụ thể về phát triển kinh tế vườn với những cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế của địa phương: “Hiện nay, huyện đang tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tới đây sẽ tập trung quy hoạch vùng, trong đó xã Hương Sơn tập trung phát triển cây dứa, xã Hương Hòa phát triển cây cam. Huyện ủy cũng ban hành Nghị quyết về trồng quế nguyên liệu, vận động bà con chuyển đổi diện tích trồng keo kém hiệu quả sang trồng quế. Một số vùng khác sẽ chuyển đổi qua trồng chuối, ổi, các loại cây có múi… Làm thế nào để mỗi loại cây đều có sản phẩm có giá trị để nâng cao thu nhập cho người dân”.