Tham quan, tìm hiểu tại Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải |
Đoàn công tác gồm đại diện Sở Du lịch, đại diện phòng văn hoá - thông tin các huyện, thị xã và TP. Huế; Các doanh nghiệp, chủ cơ sở homestay, hợp tác xã dịch vụ du lịch, hộ kinh doanh du lịch cùng tham quan, khảo sát.
Sau khi tham quan, trải nghiệm du lịch tại nhiều điểm ở TP. Quảng Ngãi và huyện đảo Lý Sơn, gồm: Núi Thiên Ấn và chùa Thiên Ấn; Khu chứng tích Sơn Mỹ; Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải; Đỉnh Thới Lới; Chùa Hang; Chùa Đục; Cổng Tò Vò; Hang Câu, các dịch vụ du lịch biển đảo ở Lý Sơn… đoàn đã có buổi trao đổi, làm việc với chính quyền địa phương huyện đảo Lý Sơn về chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, vận hành, quản lý và phát triển du lịch biển đảo của huyện đảo.
Ông Ngô Đình Thành, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện đảo Lý Sơn cho biết, năm 2023, Lý Sơn thu hút khoảng 170.000 lượt khách, trong đó có 1.959 lượt khách quốc tế, tăng 126% so với cùng kỳ. 6 tháng đầu năm 2024, ước đạt có 72.965 lượt khách, trong đó khách quốc tế là 1.159 lượt, tăng 122% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính quyền địa phương và ngành du lịch Lý Sơn nói riêng, Quảng Ngãi nói chung đang đẩy mạnh liên kết, hợp tác du lịch với một số thành phố lớn, các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên; Tăng cường kết nối với các công ty lữ hành, kết nối tour, tuyến trong và ngoài tỉnh, tạo chuỗi kết nối phát triển du lịch…
Các ban ngành của huyện đảo Lý Sơn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với đoàn công tác của ngành du lịch Thừa Thiên Huế trong ngày 22/6 |
Theo đại diện đoàn công tác Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, vấn đề hợp tác, trao đổi kinh nghiệm làm du lịch giữa các địa phương là rất quan trọng. Thừa Thiên Huế cũng có nhiều tiềm năng, lợi thế, tài nguyên để phát triển du lịch biển, đảo, đầm phá và các loại hình du lịch khác, nhưng một số mô hình du lịch cũng cần phải đầu tư, nghiên cứu để tiếp tục tạo ra hiệu quả. Những chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, vận hành, quản lý và phát triển du lịch du lịch biển đảo, khâu giải quyết các khó khăn, bất lợi, hạn chế trong phát triển du lịch sẽ giúp các đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch có cơ hội để tìm hiểu thêm, nghiên cứu áp dụng phù hợp thực tiễn.
Sau chuyến khảo sát này, ngành du lịch địa phương, các doanh nghiệp, chủ cơ sở homestay, hợp tác xã dịch vụ du lịch, hộ kinh doanh du lịch sẽ vận dụng kinh nghiệm từ mô hình hiệu quả của tỉnh bạn để phát triển mô hình du lịch biển đảo, đầm phá tại Thừa Thiên Huế.