Thí sinh cần tránh áp lực khi bước vào kỳ thi |
Cân bằng tâm lý và sức khỏe
Chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, mấy tháng nay, Võ Thị Hồng Lê, học sinh Trường THPT An Lương Đông dốc sức ôn luyện. Ban ngày đi học, tối về thức học bài đến khuya nên em khá mệt mỏi. Đó là chưa kể những lo lắng, áp lực khi đặt ra mục tiêu phải đạt được trong kỳ thi sắp tới.
Hồng Lê chia sẻ, trước kỳ thi, thí sinh nào cũng lo lắng, áp lực. Em cũng không tránh khỏi điều đó, không chỉ vì đây là năm cuối thi theo chương trình giáo dục phổ thông cũ mà còn vì áp lực từ kỳ vọng của chính bản thân cũng như những người thân quen.
Ngày thi cận kề, nhiều áp lực đang đè nặng lên các sĩ tử với khối lượng kiến thức khổng lồ cùng nỗi lo lắng về điểm số để trúng tuyển vào ngôi trường đại học mơ ước. Cận kề ngày thi, nhiều em vẫn tranh thủ những ngày cuối cùng để hệ thống, ôn lại kiến thức. “Dù đã học xong cơ bản nhưng giờ ôn lại, em thấy cái gì cũng cần học. Áp lực cũng khiến bản thân luôn trong trạng thái lo âu, mệt mỏi dẫn đến ôn luyện kém hiệu quả, nhiều kiến thức đã thuộc rồi lại quên”, Bảo Ngọc, một sĩ tử ở huyện Phú Lộc lo lắng.
Tâm lý thí sinh luôn tranh thủ những ngày cuối để tăng cường ôn luyện với suy nghĩ học được chừng nào tốt chừng ấy, cho đến khi bước vào phòng thi. Có em học đến 13-14 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, nỗ lực ôn luyện là tốt, nhưng việc nhồi nhét kiến thức quá mức có thể gây phản tác dụng. Vì thế, cần kết hợp việc học với thư giãn để giảm bớt căng thẳng. Tâm lý thoải mái sẽ giúp ghi nhớ kiến thức tốt hơn, tối ưu hóa việc tiếp nhận kiến thức trước giờ G. Thay vì “vắt kiệt” bộ não, các thí sinh hãy dành thời gian cho giấc ngủ sẽ có lợi cho trí não hơn nhiều so với vài giờ học tập đầy căng thẳng vào phút cuối.
Theo nhiều giáo viên, thí sinh cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học và tạo cho mình một tâm lý thoải mái trước ngày thi và trước mỗi buổi thi để đạt hiệu quả cao nhất khi thực hiện bài thi của mình. Các em không nên quá lo lắng, sợ làm bài không tốt khi tham gia kỳ thi bởi dễ dẫn đến tâm lý căng thẳng, ảnh hưởng đến khả năng tư duy trong quá trình làm bài. Trong thời gian thi, thí sinh nên tập trung tư duy cao nhất suốt thời gian làm bài, tránh phân tán tư tưởng”.
Một bác sĩ về dinh dưỡng đưa ra lời khuyên, để có được sức khỏe và tinh thần tốt nhất chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng, các thí sinh nên chú ý duy trì chế độ ăn, ngủ, nghỉ điều độ, nhằm hạn chế tối đa những rủi ro về sức khỏe khi bước vào kỳ thi. Lưu ý, việc ngủ sâu và đủ giấc trong những ngày thi rất quan trọng. Nếu đầu óc lơ mơ, ngái ngủ, tinh thần mệt mỏi sẽ ảnh hưởng đến bài thi. Để có giấc ngủ chất lượng, có thể tập thể dục nhẹ nhàng, nghe nhạc hoặc đọc sách trước khi ngủ.
Đồng hành cùng con để giải tỏa áp lực
Cân đối thời gian nghỉ ngơi hợp lý để giữ tinh thần tỉnh táo |
Trước thềm kỳ thi, các sĩ tử sẽ gặp rất nhiều áp lực từ chính suy nghĩ sợ điểm kém, không đủ điểm vào đại học, ảnh hưởng đến tương lai, làm bố mẹ thất vọng… Vì vậy, sự đồng hành, động viên tinh thần của các bậc phụ huynh rất quan trọng trong giai đoạn này để giải tỏa áp lực, tạo cho thí sinh một tâm thế thoải mái trước khi bước vào kỳ thi.
Sức khỏe tốt, tâm lý vững vàng, sự quan tâm và động viên của phụ huynh là yếu tố quan trọng giúp các sĩ tử vượt qua kỳ thi. Cha mẹ nên chuẩn bị cho con em mình những món ăn đảm bảo dinh dưỡng trước và trong những ngày thi. Chị Nguyễn Thị Lợi, mẹ của em Hồng Lê chia sẻ: “Trong quá trình ôn thi, tôi luôn quan âm chế độ ăn uống cho con để đảm bảo cân đối về dinh dưỡng, đảm bảo đủ chất. Tôi cũng nhắc nhở con nghỉ ngơi đầy đủ, giữ gìn sức khỏe để thi cho tốt”.
Trong giai đoạn thi cử, cha mẹ nên đồng hành, tâm lý với con để giúp con giải tỏa áp lực. Cha mẹ nào cũng mong những điều tốt đẹp cho con mình, nhưng cũng có phụ huynh sốt ruột khi con làm bài không tốt hoặc điểm số chưa cao. Không nên kỳ vọng quá nhiều vì điều này vô tình tạo áp lực lớn cho con mình. Cha mẹ nên hiểu rõ về năng lực, sở trường của con để đặt ra mục tiêu, chọn trường phù hợp.
“Tôi động viên con cố gắng hết sức, kết quả ra sao thì con cũng đã cố hết mình rồi chứ không quá đặt nặng vấn đề điểm số với con. Cả gia đình đều lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con để đưa ra những tư vấn cũng như định hướng phù hợp, giải tỏa được những áp lực về học tập, thi cử”, chị Lợi nói.
Sau mỗi môn thi, phụ huynh cần trò chuyện, thảo luận về những phần mà con đã làm tốt, động viên con thay vì trách móc để tạo động lực và sự tự tin cho thí sinh tiếp tục tập trung vào môn thi tiếp theo, thay vì chăm chăm vào những thứ không thể thay đổi trong bài thi đã qua.