Toàn cảnh buổi tọa đàm và ra mắt sách |
Đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà thiết kế thời trang đã tham dự. Sách do CLB Đình làng Việt (Hà Nội) thực hiện và được xuất bản bởi NXB Thế Giới với 52 bài viết của 47 tác giả khắp cả nước. Nội dung sách gồm: Phần I: Đi tìm giá trị Áo dài năm thân; Phần II: Trở về với truyền thống ông cha và Phụ lục.
Theo CLB Đình làng Việt, các tác giả tham gia viết sách đến từ các vùng miền khác nhau, lĩnh vực khác nhau. Có người là chính khách, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu, nhà văn; có người là nhà quản lý, kiến trúc sư, họa sỹ, thiết kế thời trang, nhà báo, nghệ nhân, thậm chí là người nước ngoài hay học sinh, sinh viên...
Tất cả đã tạo thành một tập thể cùng sẻ chia điểm tương đồng là tình yêu với di sản trang phục của tiền nhân để lại. Tình yêu đó chính là chất men, chất kết dính để gắn kết nội dung cuốn sách, tạo dựng lên một khu hoa viên rực rỡ sắc màu để bạn đọc có thể ghé vào dạo chơi, ngắm các bông hoa với vẻ đẹp khác nhau, nhưng tất cả đều bừng nở trong ánh nắng chan hòa của một mùa xuân chấn hưng văn hóa dân tộc.
Cuốn sách “Áo dài truyền thống – hành trình trở lại” |
Nội dung cuốn sách cho phép có “độ mở” nhất định, cả về cách tiếp cận thuật ngữ, định danh và nội dung nói chung. Hiện tại, áo dài truyền thống có thể hiểu là loại áo có vạt (tà) dài - số tà có thể là 3 nhưng do 5 thân áo ghép lại, hoặc có thể là 2 như loại áo dài đã được cách tân từ khoảng những năm 20 thế kỷ XX; nó thường có tay chẽn hay tay rộng (loại áo tấc), cổ đứng, cài khuy bên phải cổ.
Nó có những định danh khác nhau như áo (dài) ngũ thân, áo (dài) năm thân, áo dài truyền thống, hay đơn giản là áo dài. Ý thức được sự đa dạng trong chi tiết của loại hình di sản này nên ban biên tập tôn trọng quan điểm của tác giả, cách chọn dùng các định danh khác nhau trong các bài viết, miễn là chúng không cản trở việc hình dung và cảm nhận tương đối xác thực về một đối tượng thống nhất: đó là áo dài truyền thống Việt, nhờ các đặc điểm nhận dạng nổi bật và chuyên biệt.
Cuốn sách ra đời cũng là dịp Kỷ niệm 280 năm ngày Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát định chế Áo dài, khai sinh nó như loại áo mặc quy chuẩn, làm tiền đề cho sự thống nhất về một loại hình trang phục trong phạm vi cả nước Việt Nam; đồng thời để chào mừng 10 năm ngày ra đời của Câu lạc bộ Đình làng Việt.