UNCTAD nhấn mạnh cần có sự cân bằng trong các lĩnh vực viện trợ để đạt được các mục tiêu bình đẳng giới. Ảnh minh họa: UNICEF

Bất chấp những tiến bộ này, bình đẳng giới toàn cầu vẫn là một mục tiêu xa vời. Ước tính với tốc độ hiện tại, phải mất khoảng 300 năm nữa thế giới mới đạt được mục tiêu bình đẳng giới. Còn nửa chặng đường đến thời hạn năm 2030, nhưng chỉ có 2 trong số 14 chỉ số về Mục tiêu Phát triển Bền vững về bình đẳng giới (SDG 5) đi đúng hướng. Do đó, cần phải có những nỗ lực táo bạo hơn và tập trung hơn, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) nhấn mạnh.

Để đạt được SDG 5, UNCTAD ước tính cần thêm 360 tỷ USD mỗi năm. Mặc dù viện trợ không thôi sẽ không thể thu hẹp khoảng cách đạt mục tiêu bình đẳng giới, nhưng đây vẫn là một nguồn quan trọng để các nước đang phát triển giải quyết tình trạng thiếu hụt kinh phí cho vấn đề này.

Báo cáo của UNCTAD cũng cho thấy sự thay đổi đáng chú ý đối với các khoản vay trong viện trợ liên quan đến giới. Năm 2012, các khoản vay chỉ chiếm 5,4% số viện trợ đó, nhưng đến năm 2022, tỷ lệ này đã tăng gần gấp 6 lần lên 30,1%. Trong khi các khoản tài trợ vẫn là hình thức chiếm ưu thế, thì sự phụ thuộc ngày càng tăng vào các khoản vay làm tăng mối lo ngại về tài chính ở các nước đang phát triển vốn đã nặng gánh nặng nợ nần.

Do vậy, việc sử dụng các khoản vay để hỗ trợ các dự án liên quan đến giới cần được quản lý cẩn thận để tránh làm trầm trọng thêm áp lực tài chính đối với các quốc gia nhận viện trợ, vì chi phí lãi vay tăng cao đang gây căng thẳng cho ngân sách chính phủ. Năm 2023, có đến 54 quốc gia đang phát triển dành ít nhất 10% doanh thu để trả lãi nợ vay.

UNCTAD cũng nhấn mạnh những thay đổi đáng kể trong trọng tâm các ngành nhận viện trợ liên quan đến giới. Năm 2012, giáo dục chiếm tỷ trọng cao nhất ở mức 37%. Tuy nhiên, đến năm 2022, các lĩnh vực khác đã vượt qua giáo dục.

Cụ thể, lĩnh vực vận tải, kho bãi và truyền thông có mức tăng đáng kể nhất, với tỷ lệ vốn ODA liên quan đến giới được phân bổ tăng từ 5% lên 39%. Ngược lại, viện trợ y tế và hàng hóa, bao gồm cả hỗ trợ lương thực, đã chứng kiến sự suy giảm tập trung vào bình đẳng giới trong thập kỷ qua.

Những thay đổi này nhấn mạnh sự cần thiết của viện trợ cân bằng để đạt được các mục tiêu bình đẳng giới. Tăng cường tập trung vào các lĩnh vực như giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn có thể nâng cao khả năng tiếp cận các cơ hội của phụ nữ, nhưng giảm tập trung vào các vấn đề sức khỏe có thể làm suy giảm phúc lợi của nữ giới, nhất là những người dễ bị tổn thương.

Rõ ràng, tài trợ cho bình đẳng giới là điều cần thiết để đạt được một thế giới hòa nhập như đã được hình dung trong các SDGs. Nếu không có những nỗ lực mạnh mẽ và tập trung hơn, tiến bộ sẽ bị đình trệ, khiến sự chênh lệch giới tính không được giải quyết và cản trở sự phát triển toàn cầu, UNCTAD nhấn mạnh.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ MNS)