"Những công đoạn cuối cùng như lắp mảnh tranh gương vào khung đã cho ra sản phẩm khiến cả nhóm không thể tin vào mắt mình. Ba bức tranh gương tuyệt đẹp nằm trước mắt, soi tỏ quá khứ vàng son của Triều Nguyễn gần hai thế kỷ trước…”.
Đó là những chia sẻ đầy xúc cảm của Nguyễn Huy, thành viên nhóm Tân Đô Thành Hiếu Cổ với Thừa Thiên Huế Cuối tuần cùng với bộ ảnh tâm huyết của nhóm về cơ duyên phục dựng tranh gương cung đình Huế sau 180 năm.
“Tất cả sự thành nhờ nhân duyên gặp gỡ từ những người có chung niềm đam mê với di sản văn hóa, từ người số hóa ảnh tư liệu, người nghiên cứu và cả nghệ nhân. Cả 3 nhân duyên trên được gặp nhau và trái ngọt là bức tranh gương sau khi phục dựng thành công”, Huy nói thêm.
Tranh gương là một loại hình mỹ thuật trang trí có từ đầu Triều Nguyễn. Việc điện Cần Chánh được lên kế hoạch tái thiết đã thôi thúc Tân Đô Thành Hiếu Cổ tìm kiếm tài liệu về ngôi điện và các di vật lịch sử liên quan, trong đó có tranh gương. Công việc phục dựng tranh gương vất vả nhưng có nhiều động lực mạnh mẽ đã được nhóm thực hiện với sự tham gia của một thành viên đã nghiên cứu và sưu tập tranh gương cung đình Huế hơn mười năm; một thành viên khác với thế mạnh số hóa các hình ảnh tranh gương một cách chi tiết; một thành viên khác nữa với kỹ năng nghiên cứu về kiến trúc Triều Nguyễn và phỏng dựng 3D về vườn cảnh cung đình…; cùng với sự tham gia của nghệ nhân Trần Văn Nhanh – nghệ nhân vẽ tranh gương nổi tiếng tại Long An với hơn bốn mươi năm kinh nghiệm.
Mời bạn đọc cùng Thừa Thiên Huế Cuối tuần chiêm ngưỡng một phần vẻ đẹp từ niềm đam mê di sản ấy.
Bức “Trì Lưu Liên Phảng” của bộ tranh Cơ Hạ Viên Thập Cảnh sau khi được phục dựng |
Nghệ nhân Trần Văn Nhanh thực hiện kỹ thuật vẽ ngược trên kính các họa tiết sóng nước và phong cảnh của bức “Thanh Trì Hương Luyện” |
Nghệ nhân Trần Văn Nhanh kiểm tra lại “mặt dương” của bức tranh sau khi hoàn thiện |
Bản gốc của “Trì Lưu Liên Phảng” - Bức tranh đang được trưng bày tại Khoa Lịch sử - Đại học Khoa học Huế |