Đại diện các đơn vị khách sạn, du lịch lịch cam kết tuyên truyền, vận động du khách tham gia lối sống xanh

Sống xanh được hiểu là một lối sống thân thiện, giảm thiểu những tác động có hại đến môi trường, luôn hài hòa với thiên nhiên. Sống xanh không phải thể hiện qua một chương trình hay một chiến dịch rầm rộ nào đó, mà nó được thể hiện qua cách sinh hoạt của mỗi người, mỗi ngày. Đơn cử những việc làm đơn giản, như: Biết cách sử dụng đồ dùng tiện ích; dùng các sản phẩm sinh hoạt trong gia đình thân thiện với môi trường; tiết kiệm nước, tắt thiết bị điện không cần thiết khi ra khỏi nhà…

Chị Hoàng Thị Ánh (phường An Đông, TP. Huế) chia sẻ, với chị sống xanh chính là việc sử dụng đủ nước, đủ điện, tránh lãng phí. Hiện nay, mỗi khi đi chợ chị dùng giỏ nhựa thay túi nilon để đựng thực phẩm. Hàng ngày chị và các thành viên trong gia đình ý thức phân loại rác sinh hoạt tại nguồn, bỏ rác đúng nơi quy định. Chị đã dạy con cái yêu thiên nhiên, biết làm vườn, trồng cây xanh quanh nhà… Thỉnh thoảng mỗi sáng hay chiều chị đạp xe để tập thể dục, nâng cao sức khỏe...

Thích ứng theo lối sống xanh từ những đồng nghiệp, chị Nguyễn Thị Ngọc (P. Thủy Xuân, TP. Huế) nói, ban đầu chị thấy mỗi khi mua hàng không sử dụng túi nilon có bất tiện, nhưng giờ đã thành thói quen. Hiện tại, chị đã chủ động mang giỏ, hoặc túi vải đi chợ để đựng đồ, không dùng túi nilon như trước đây. Các điểm xanh trang trí trong nhà của chị phần lớn đều tận dụng từ những vật tái chế đồ dùng đã qua sử dụng…

Thực tế hiện nay, việc người dân sử dụng túi nilon, hộp nhựa, hộp xốp… tại các quán ăn, nhà hàng trở nên quen thuộc và phổ biến. Sau mỗi ngày, lượng rác thải ấy ra môi trường không thể kiểm soát được. Tuy vậy nhìn trên bình diện chung, phong trào sống xanh ngày càng lan tỏa và nhân rộng từ thành thị đến nông thôn. Nhiều cửa hàng, trung tâm mua sắm, hệ thống siêu thị ở Huế đã khích lệ khách hàng “mua sắm xanh, sống trong lành” qua việc sử dụng túi phân hủy sinh học. Mục đích của các siêu thị nhằm thay đổi hành vi và hình thành thói quen mang túi mua sắm cá nhân, giảm phát sinh và ô nhiễm nhựa tại địa phương. Các nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch ở Huế hiện nay đã nói không với rác thải, đồ nhựa dùng một lần. Hầu hết các thương hiệu du lịch lớn đã cam kết, tư vấn, vận động khách hàng không sử dụng bao, túi nilon trong sinh hoạt, mà dùng sản phẩm bao, túi sinh học, dùng chai thủy tinh để đựng nước uống…

Tại các địa phương, lối sống xanh được lan tỏa. Các cấp hội, đoàn triển khai các hoạt động thành lập tổ đội thu gom ve chai, phế liệu; đổi rác thải nhựa lấy quà; tham gia vệ sinh môi trường, bảo vệ các dòng sông, hói trong xanh; ủ rác thải làm phân vi sinh, trồng rau hữu cơ... Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã nhân rộng các mô hình, như: “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp”; “Tuyến đường hoa”; “Thắp sáng đường quê”… mang lại hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thông qua các hoạt động trên, ý thức của mỗi tổ chức, đơn vị, người dân về sống xanh được nâng cao, góp phần giữ gìn môi trường sống xanh - sạch - đẹp.

Bài, ảnh: MINH HOÀI