Chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số tuần hoàn là cần thiết để thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững. Ảnh minh họa: Vneconomy |
Trước tình hình đó, UNCTAD cho rằng cần phải có một cách tiếp cận cân bằng giữa việc khai thác sức mạnh của số hóa để thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững, đồng thời cũng phải giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường. Điều này đòi hỏi sự chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số tuần hoàn, đặc trưng bởi tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm, sử dụng năng lượng tái tạo và quản lý rác thải điện tử toàn diện.
Nhằm nâng cao tính bền vững của tăng trưởng kỹ thuật số, UNCTAD mới đây đã đề xuất các mô hình kinh doanh đổi mới và các chính sách mạnh mẽ, bao gồm áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, ưu tiên tái chế, tái sử dụng và thu hồi vật liệu kỹ thuật số để giảm rác thải và tác động đến môi trường; thực hiện tối ưu hóa tài nguyên thông qua việc phát triển các chiến lược sử dụng nguyên liệu thô hiệu quả hơn và giảm mức tiêu thụ tổng thể. Song song đó, cần thực thi các tiêu chuẩn và quy định nghiêm ngặt hơn về môi trường để giảm thiểu tác động sinh thái của công nghệ kỹ thuật số; thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các công nghệ tiết kiệm năng lượng và thực hành kỹ thuật số bền vững. Đồng thời, UNCTAD nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các quốc gia để đảm bảo quyền truy cập công bằng vào các công nghệ và tài nguyên kỹ thuật số.
Đáng lưu ý, UNCTAD khuyến nghị cần tích hợp các chính sách kỹ thuật số và môi trường, kêu gọi hành động khẩn cấp và táo bạo để đảm bảo một nền kinh tế kỹ thuật số công bằng và có trách nhiệm với môi trường. Cách tiếp cận này nhằm mục đích cho phép các quốc gia được hưởng lợi từ những cơ hội mà nền kinh tế kỹ thuật số mang lại, đồng thời bảo vệ lợi ích và phúc lợi của các thế hệ hiện tại và tương lai.