Sử dụng điện thoại khi lái xe là vi phạm pháp luật và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông |
Dù đi chậm là thế nhưng tôi vẫn bị một chiếc xe máy cùng chiều quệt phải làm ngã cả người và xe xuống đường. Thấy vậy, mọi người ở gần đó cũng đội mưa chạy ra hỏi han và dắt xe dậy giúp tôi. Bị mọi người giữ lại nên người lái xe va vào tôi vừa khá hoảng sợ xin lỗi, vừa loay hoay tìm chiếc điện thoại bị rơi ra khá xa: Em xin lỗi chị, mải xem điện thoại để bấm nhận đơn hàng nên em không chú ý đường.
Nhiều người cũng lên tiếng vì sao trời mưa vừa đang chạy xe mà không quan sát đường lại chỉ tập trung vào màn hình điện thoại, như thế vừa nguy hiểm cho bản thân và cả người đi đường.
Cũng thật may là tôi chỉ bị xước chân nhẹ, lại được mọi người giúp đỡ băng bó, bôi thuốc nên cũng không làm khó chàng trai giao đồ ăn kia. Còn chàng trai kia cũng rời đi, mặc dù sự việc được giải quyết nhẹ nhàng và thật may cả tôi và cậu ấy không bị gì nghiêm trọng, nhưng nhìn nét mặt, tôi biết cậu ấy cũng rời đi trong lo lắng và náy náy.
Nhưng chắc chắn không ai cũng có thể may mắn như vậy, bởi khi điều khiển phương tiện giao thông trên đường mà lại sử dụng điện thoại sẽ mất tập trung, không quan sát được các phương tiện khác sẽ khó xử lý được các tình huống khẩn cấp, gây nguy hiểm cho cả bản thân và người đi đường.
Đi trên đường, việc gặp phải những trường hợp vừa điều khiển xe vừa nghe điện thoại, nhắn tin... không phải là điều hiếm. Bởi đơn giản, ai cũng nghĩ, nhấc máy nói vài câu, nhắn một tin nhắn... nhanh mà, không sao đâu mà vô tình đưa mình và mọi người vào những mối nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra rai nạn giao thông.
Việc mạnh tay xử phạt đối với những trường hợp vi phạm là điều đương nhiên, nhưng mỗi chúng ta cần nâng cao ý thức khi tham gia giao thông là điều vô cùng cần thiết. Có thể dừng lại, tạt vào lề đường hay đến điểm cần đến rồi mới nghe điện thoại, nhận những cuộc gọi chậm lại một vài phút chẳng sao. Nhanh thêm vài phút mà tiềm ẩn nhiều rủi ro thì chẳng đáng.
Hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật ở 3 hành vi: Phạt lỗi sử dụng điện thoại khi lái xe với người điều khiển xe ô tô; phạt lỗi sử dụng điện thoại khi lái xe với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và phạt lỗi sử dụng điện thoại khi lái xe đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp điện. Trong đó, nhẹ nhất là phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy sử dụng điện thoại di động (Theo điểm h khoản 1 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP); nặng nhất là phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô hoặc các loại xe tương tự xe tô tô có hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường.