Các đại biểu tại một cuộc họp cấp bộ trưởng các nước thành viên Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF). Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố thành lập mạng lưới ứng phó khủng hoảng của IPEF. Hàn Quốc sẽ đảm nhận cương vị Chủ tịch của cơ quan này, và Nhật Bản sẽ giữ cương vị Phó Chủ tịch.

Mạng lưới ứng phó khủng hoảng sẽ hành động bất cứ khi nào chuỗi cung ứng bị gián đoạn, bao gồm cả do thiên tai và tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng hậu cần. Cơ quan này sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn cấp trong vòng 15 ngày kể từ khi xảy ra sự cố.

14 thành viên IPEF sẽ chia sẻ thông tin về hàng tồn kho trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung. Nếu nhiều thành viên có nhu cầu cấp thiết về hàng hóa thiết yếu, các quốc gia đối tác sẽ chia sẻ kho dự trữ và tìm kiếm những tuyến cung cấp thay thế. Trong đó, chất bán dẫn, vật tư y tế và khoáng sản thiết yếu đều được xem là hàng hóa thiết yếu.

Ngoài ra, IPEF cũng sẽ tiến hành các cuộc diễn tập để ứng phó với các cuộc khủng hoảng, chuẩn bị những hành động nhanh chóng trong trường hợp khẩn cấp.

Được biết, IPEF bao gồm Mỹ, Australia, Brunei, Fiji, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam.

Mạng lưới ứng phó khủng hoảng sẽ rút ra bài học từ những sự cố gián đoạn chuỗi cung ứng trong quá khứ. Trước đó hồi năm 2021, Hàn Quốc đã trải qua tình trạng thiếu hụt urê, được sử dụng để cắt giảm khí thải trong các phương tiện chạy bằng dầu diesel.

Trong một nhận định liên quan, ông Sim Jin-su, Tổng Giám đốc phụ trách chiến lược và chính sách thương mại mới tại Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho hay: “Kinh nghiệm và hiểu biết trong quá khứ của cả hai bên sẽ hữu ích cho việc thực hiện thỏa thuận về chuỗi cung ứng”.

THANH NGÂN

(Lược dịch từ Nikkei Asia & Reuters)