Ngành thuế đang đẩy mạnh triển khai hóa đơn từ máy tính tiền nhằm hạn chế thất thu thuế |
Thu nội địa khiêm tốn
Số liệu từ Cục Thuế tỉnh, tính đến ngày 30/6/2024, đơn vị thu được 5.408 tỷ đồng, đạt 48,5% so dự toán Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và HĐND tỉnh giao, tăng 17,8% so cùng kỳ năm trước. Nếu trừ tiền sử dụng đất, số thuế thu được là 4.507 tỷ đồng, đạt 55,9% so với dự toán và tăng 9% so cùng kỳ. Trong 18 khoản thu, có 11 khoản thu đạt cao và vượt so với cùng kỳ. Tăng nhiều nhất là các khoản thu từ khu vực ngoài quốc doanh, tăng 12,8%; thu từ DN nhà nước địa phương, tăng 37%; thu từ thuế bảo vệ môi trường, tăng 12%; thu phí, lệ phí tăng 22% so cùng kỳ…
Tuy nhiên, dựa trên số thu mà Cục Thuế tỉnh công bố, vẫn còn 7/18 khoản thu đạt thấp và có xu hướng giảm so với cùng kỳ, nhất là số thu từ tiền sử dụng đất và các khoản thu liên quan về đất. Cụ thể, thu tiền sử dụng đất chỉ được 901 tỷ đồng, đạt 29% dự toán giao, dù UBND tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị tháo gỡ khó khăn liên quan các khoản thu về đất. Một số khoản thu còn lại giảm so với cùng kỳ như lệ phí trước bạ giảm 9,1%; thu cấp quyền khai thác khoáng sản giảm 4,8%... Tình hình thu thuế tại các chi cục thuế khu vực cũng không mấy khả quan khi 3/5 chi cục thuế có tiến độ thu đạt thấp so với dự toán (dưới 50%), nếu trừ tiền sử dụng đất thì có 1/5 chi cục thuế đạt dưới 50%.
Thực tế, tình hình thu ngân sách đang đối mặt nhiều khó khăn khi trên địa bàn, số DN tạm ngưng hoạt động, giải thể vẫn ở mức cao. Từ đầu năm đến nay, có 344 DN mới thành lập và 184 DN hoạt động trở lại nhưng lại có đến 112 DN giải thể và 624 DN đăng ký tạm ngưng hoạt động.
Theo kết quả khảo sát từ Cục Thống kê tỉnh, chỉ có 35% DN tham gia khảo sát đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 6 tháng đầu năm có khả quan, 16,7% cho rằng hoạt động kinh doanh khó khăn hơn, số còn lại cho rằng kinh doanh ổn định. Cũng theo kết quả khảo sát này, có 38,3% DN nhận định hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý III/2024 sẽ tốt hơn, nhưng số DN đánh giá hoạt động kinh doanh sẽ khó khăn hơn chiếm đến 23,3%.
DN gặp khó khăn sẽ tạo nên sức ép không nhỏ trong tăng trưởng kinh tế cả năm cũng như hoạt động thu ngân sách. Vì thế, việc thực hiện mục tiêu phấn đấu thu NSNN đạt 12.890 tỷ đồng theo chỉ tiêu phấn đấu của UBND tỉnh là điều không hề dễ dàng.
Khai thác các dư địa thu
Áp lực đảm bảo số thu NSNN cả năm đang dồn về 6 tháng cuối năm, do còn nhiều khoản thu chưa đạt tốc độ thu theo tiến độ đặt ra. Ngành thuế tỉnh đang tập trung triển khai các giải pháp nhằm khai thác nguồn thu mới để bù đắp được các khoản giảm thu.
Tại hội nghị sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm, một đại biểu đã chỉ ra thực tế, trên địa bàn đang có rất nhiều nguồn thu đang chưa được khai thác. Ví dụ cụ thể nhất là tình trạng nhiều người dân mua các căn hộ để cho thuê hoặc cho thuê lưu trú du lịch với doanh thu khá cao mỗi tháng. Hay các khoản thu từ hoạt động kinh doanh dịch vụ về đêm của người dân tại các tuyến phố, tuy nhiên hầu như các đơn vị, cá nhân này không hề tiến hành kê khai thuế. Đây là những nguồn thu cần được khai thác, chống thất thu NSNN...
Ông Hoàng Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cũng cho rằng: Thừa Thiên Huế vẫn có rất nhiều dư địa trong thu NSNN, nhất là khi tỉnh đang trên tiến trình phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Nhiều dự án lớn đang được đầu tư; hoạt động kinh tế về đêm đang được mở rộng, hoạt động thương mại điện tử đang ngày càng phát triển và chiếm được thị phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh của người dân, DN. Vì thế, bên cạnh triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thu, dự báo thu hàng tháng, quý sát đúng với thực tế phát sinh để có các giải pháp chỉ đạo thu kịp thời, thì ngành thuế tỉnh cần tăng cường công tác chống thất thu các nguồn thu, tiếp tục đẩy mạnh triển khai các đề án chống thất thu; rà soát, khai thác tăng thu đối với các nguồn thu còn tiềm năng, lĩnh vực, loại thuế còn thất thu NSNN...